GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Liễu Không 1930-1999

 

 

Hòa thượng thế danh Nguyễn Xuân Đệ, sinh ngày 20/10/1930 tại thôn Hữu Pháp, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Nhạc pháp danh Như Thiện, thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị Hoài pháp danh Thị Lân. Cả hai đều là đệ tử quy y tại chùa Thiên Bình. Ông bà có ba người con: hai người con gái và ngài là người con trai duy nhất.

Năm lên mười tuổi, ngài tỏ ra căn tánh sáng suốt lanh lẹ và rất có căn duyên với Phật nên song thân quyết định cho ngài xuất gia với Hòa thượng Thích Tâm Đạt, Viện chủ chùa Thiên Bình, và được Bổn Sư cho pháp danh là Thị Duật. Kể từ đó, ngài chuyên tâm thọ trì kinh luật sớm hôm thờ thầy, tinh tấn chuyên cần không một chút giãi đãi.

Năm 1950, lúc đó ngài vừa 20 tuổi. Nhận thấy khả năng thông suốt kinh luận của ngài nên Hòa thượng Bổn sư cho ngài thọ Tam đàn Cụ túc tại giới đàn Tổ đình Thiên Bình do Hòa thượng Huệ Chiếu đương kim trụ trì Tổ đình Thập Tháp làm đường đầu. Ngài đã đắc pháp và được Bổn sư cho pháp hiệu là Liễu Không. Cũng trong năm này, Ngài được mời làm Bí thư Phật giáo cứu quốc xã Nhơn Phong, và ngài là một thành viên suất sắc nhất trong sự vận động chuyển hướng Phật sự do Phật giáo cứu quốc Liên Khu 5 khởi xướng. Sau đó, ngài được đề bạt lên công tác Phật sự tại Liên Khu 5 huyện An Nhơn.

Năm 1953, Ngài được bầu làm thư ký Hội Phật giáo Việt Nam huyện An Nhơn và được đề cử làm đoàn thanh tra của Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định.

Sau hiệp định Gevene tạm đình chiến Việt Pháp, đất nước bị chia đôi. Ngài cùng 18 huynh đệ trong và ngoài tỉnh đã đi bộ băng núi rừng vượt đèo Cù Mông, đèo Cả đến học tại Phật học Viện Trung Phần Nha Trang dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Trí Nghiêm.

Hòa thượng Thích Huyền Quang đặt trách cho ngài làm quản lý nhà in Hoa Sen do Tổng hội Phật giáo Việt Nam Trung Phần sáng lập để làm kinh tế tự túc cho Phật hoc viện thời bấy giờ.

Đầu năm 1958, Ngài là thành viên hàng đầu sáng lập Tu viện Nguyên Thiều Bình Định.

Năm 1960, Tổng hội Phật giáo Việt Nam Trung Phần phân công ngài về làm Phật sự tại Bình Định. Ngài được mời làm Hội trưởng Hội Phật giáo huyện An Nhơn tỉnh Bình Định.

Năm 1962, Đại lão Hòa thượng Bổn Sư Thích Tâm Đạt đã triệu tập chư tăng môn hạ về để trạch cử người thừa kế. Ngài đã được môn hạ suy cử làm trụ trì Tổ đình Thiên Bình.

Năm 1963, Ngài là một thành viên đắc lực trong phong trào chống chế độ kỳ thị tôn giáo Ngô Đình Diệm. Ngài bị tù đày tại nhà lao Quy Nhơn, và được HT Thích Tâm Hoàn nhân danh Hội Phật giáo Bình Định vào nhà lao bảo lãnh ra tù.

Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập Ngài được mời làm Chánh đại diện Phật giáo Việt Nam Thống Nhất huyện An Nhơn qua hai nhiệm kỳ.

Từ năm 1973-1977, ngài làm Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình Định.

Năm 1975, ngài tái thiết toàn bộ ngôi Tổ đình Thiên Bình do chiến tranh tàn phá.

Năm 1982, Ngài được mời làm Phó Ban Thường Trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định. Lúc bấy giờ ngài gửi nhiều văn thư đến các cấp chính quyền yêu cầu hoàn trả hai ngôi chùa Từ Phước, Từ Hải ở Quảng Ngãi và cơ sở Tỉnh Hội Phật Giáo tỉnh Bình Định.

Trong sự nghiệp hành đạo của ngài, ngoài việc tái thiết Tổ đình Thiên Bình, ngài còn khai sơn các ngôi chùa như: chùa Hưng Quang, chùa Kim Long, chùa Giác Hải và trùng tu chùa Chi Hội An Nhơn, chùa Thiên Hưng, chùa Phước Hưng, chùa Phước Sa, chùa Thiên Long, chùa Thiên Ân v.v.

Vì sự nghiệp hoằng pháp độ sanh, ngài luôn gắn liền cuộc đời mình với vận mệnh thịnh suy của đất nước và dân tộc. Ngài không ngại gian lao không hề khó nhọc, nhất là những năm 1979-1992 tuy tuổi già sức yếu nhưng Ngài cũng thể theo tinh thần tu học của chư tăng và hàng Phật tử tại gia nên đã tổ chức nhiều khóa An cư kiết hạ tại Tổ đình Thiên Bình và chùa Chi Hội An Nhơn để hướng dẫn dạy dỗ kinh luật cho hai chúng tại gia và xuất gia. Với giọng nói hiền từ, với nụ cười bao dung, ngài đã chuyển tải đạo mầu của Đức Phật đến nhiều người thừa hưởng.

Đến lúc sắc thân tứ đại theo định luật vô thường, Ngài lâm trọng bệnh, mặc dù đã được các bác sỹ Đông, Tây y tận tình chữa trị nhưng căn bệnh vẫn không thuyên giảm. Tuy căn bệnh hoành

hành nhưng ngài luôn tỉnh giác và nhất niệm, luôn luôn nhắc nhở chư tăng ni và Phật tử tín đồ phải tinh tấn tu hành, phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Thế rồi sức khỏe của Ngài ngày càng yếu dần. Ngài đã thâu thần thị tịch vào lúc 11h30, ngày 29/7/1999, nhằm ngày 17/06/Kỷ Mão. Thọ thế 70 năm. hạ lạp 50 năm.  

Than ôi !

Trăng khuya, trăng rụng sân chùa

Xót lòng thiền thất gió lùa đèn xao

Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tôn Tứ Thập Nhị Thế, Thiên Bình Đường Thượng, Huý thượng Thị hạ Duật tự Hạnh Pháp, hiệu Liễu Không Hòa thượng Giác linh liên tọa chứng minh

Lên đầu trang