GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tiểu Sử Pháp Sư Trí Độ 1894 - 1979

  1. Thân thế và thời kỳ học tập, đi dạy, học đạo:

Pháp sư Trí Độ thế danh Lê Kim Ba, hiệu Bảo Liên Tử, sinh ngày 15 tháng 12 năm Giáp Ngọ (1894)[1] tại làng Phổ Trạch, tổng Nhơn An, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nay là thôn Phổ Trạch, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Ngài sinh ra trong một gia đình Nho học, năm 9 tuổi (1903) ngài được học chữ Nho, Pháp văn và chữ Quốc ngữ.

Năm 18 tuổi (1922), ngài thi đỗ vào Collège de Quy Nhơn (trường Cao đẳng Tiểu học, thường gọi là trường Sư phạm). Năm 20 tuổi, ngài tốt nghiệp và được bổ làm Giáo sư; đến năm 24 tuổi, lại thi đậu làm Trợ giáo. Khi ngài được bổ đi dạy ở trường Vĩnh Lưu, chính tại đây, ngài đã làm quen với thầy giáo Võ Trấp (sau khi xuất gia có đạo hiệu Liên Tôn-Huyền Ý). Từ sự giao tình, thường xuyên lui tới, đàm luận Nho học, Phật lý với thầy Võ Trấp nên ngài sinh lòng hâm mộ đạo Phật. Thầy Võ Trấp sau đó đã khuyến tấn, tiến dẫn ngài đến chùa Bích Liên để quy y, học hỏi Phật pháp với người cậu của mình là Hòa thượng Bích Liên, và được ban Pháp danh Như Đăng, hiệu Trí Độ.

Năm 1926, ngài được Hòa thượng Bích Liên đưa đến cầu pháp với Quốc sư Phước Huệ. Từ năm 1920, Quốc sư mở lớp dạy Kinh-Luật-Luận Tổ đình Thập Tháp. Năm 1927, đoàn tăng sĩ trẻ của Huế gồm các vị: Mật Khế, Đôn Hậu, Mật Hiển, Mật Nguyện, Chánh Huy, Chánh Thống, Vĩnh Thừa, Bích Phong, Chỉnh Túc,… và nữ cư sĩ Cao Xuân Sang (tên thật Hồ Thị Hạnh, sau này xuất gia mang đạo hiệu Diệu Không) đã vào tham học tại Phật học đường Thập Tháp này. Cùng với các học tăng từ Huế, Ngài đã tham học lớp học này trong bốn năm, từ 1927 đến 1931.

.

  1. Đóng góp cho Tạp chí Từ Bi Âm, Viên Âm

Năm 1931, Hòa thượng Khánh Hòa cùng các pháp hữu thành lập Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, xuất bản tạp chí Từ Bi Âm để phổ biến Phật pháp và làm cơ quan vận động, cổ xúy cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Hòa thượng Khánh Hòa mời Hòa thượng Trí Hải-Bích Liên vào đảm nhận trọng trách Chánh chủ bút. Từ Bi Âm phát hành được ba số, thì với sự đề nghị của Hòa thượng Trí Hải, ông Commis Trần Nguyên Chấn đã thay mặt Hội viết thư mời thầy Liên Tôn vào làm Phó chủ bút và mời ngài (cư sỹ Trí Độ) vào làm Trợ bút cho tờ tạp chí.

Trong thời gian cộng tác cho Từ Bi Âm, ngài đã cùng Hòa thượng Bích Liên, Pháp sư Liên Tôn, biên tập nội dung, hình thức cho tạp chí. Ngài đã dịch và chú giải các kinh, có chú thích bằng chữ Phạn; viết những bài khảo luận nghiên cứu Phật học rất sâu sắc, mang tính khoa học cao.

Năm 1934, ngài trở về Bình Định, và không lâu sau đó ra Huế và được mời làm phóng viên, thành viên trong Ban Biên tập cho Tạp chí Viên Âm, giảng dạy cho trường An Nam Phật Học và thuyết giảng Phật pháp.

  1. Đóng góp cho sự nghiệp giáo dục Tăng tài của trường An Nam Phật học:

Nhằm chấn hưng Phật giáo, năm 1932, Hòa thượng Giác Tiên cùng các cư sĩ thành lập Hội An Nam Phật Học, trụ sở đặt tại chùa Trúc Lâm Huế. Nhằm tuyên dương Phật pháp, lợi ích cho đời, Hội đã cho xuất bản tạp chí Viên Âm làm cơ quan ngôn luận, số đầu tiên ra ngày 01.12.1933.  Hội cũng cho thành lập Trường An Nam Phật học tại chùa Vạn Phước năm 1933, rồi sau chuyển về chùa Báo Quốc. Trường ban đầu thu nhận 50 học tăng. Pháp sư Trí Độ đảm nhận vai trò Đốc giáo và giảng dạy xuyên suốt cho trường An Nam Phật học này từ năm 1934 đến 1945.

 Năm 1940, Ngài trở vào Bình Định. Tâm Bồ-đề chín muồi, lại được sự khuyến khích của Pháp sư Liên Tôn  nên Ngài xin xuất gia làm đệ tử của Hòa thượng Trí Hải tại chùa Bích Liên, quận An Nhơn, được Hòa thượng ban cho pháp tự Giải Chiếu.

Năm 1941, Ngài thọ tam đàn Cụ túc tại chùa Quốc Ân (Huế) do Hòa thượng Đắc Quang làm Đàn đầu truyền giới.

Ngoài thời gian dạy tại trường, ngài còn tiếp tục biên dịch nhiều tác phẩm và thường giao cho Học tăng Trí Quang chép lại bản thảo các dịch phẩm.

Năm 1943, Phật học viện Trúc Lâm tổ chức giới đàn, cung thỉnh Hòa thượng Đắc Quang làm Đàn đầu. Lúc bấy giờ, Ngài dù hạ lạp còn ít nhưng với học hạnh kiêm toàn, lại là Đốc giáo của trường An Nam Phật học nên đã được cung thỉnh vào hàng Thập Sư truyền giới. Giới tử tại giới đàn này đa số là học tăng của trường An Nam Phật học; thọ Tỳ-kheo có ngài Trí Quang, Thủ Sa-di; giới tử Sa-di có ngài Trí Thuyên.

Vào tháng 9 năm 1944, với vai trò Đốc giáo, ngài cùng với Giám đốc Thích Tịnh Khiết và những vị Giáo thọ chính của trường An Nam Phật học như Lê Đình Thám, Thích Trí Thủ,… đã xây dựng một chương trình học mới gồm 3 cấp Sơ đẳng, Trung Đẳng và Cao đẳng trong 6 năm, mỗi cấp 2 năm.

Cùng trong năm 1944, ngài cùng với Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đã dày công hợp lực chuyển trường lên xã Lựu Bảo để lập Tùng Lâm Kim Sơn. Đây là một sự án lớn của Hội An Nam Phật Học nhằm làm nơi quy tụ đào tạo các cấp học: Tiểu học, Trung Đẳng, Đại học và Tham cứu sau Đại học. Nhưng sau ngày Nhật đảo chánh Pháp – 09.03.1945, kinh tế của Hội kiệt quệ, không đủ sức nuôi học tăng, Tùng Lâm Kim Sơn bị đóng cửa. Một số học tăng theo ngài Thiện Hoa vào Nam đến chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho), rồi không lâu sau đó dời về chùa Phật Quang (Trà Vinh) để tiếp tục tu học.

  1. Đóng góp cho sự nghiệp cứu quốc, xây dựng đất nước:

Trong giai đoạn 1945-1946, ngài cùng với Thượng tọa Mật Thể, Giác Phong-Bích Không,… cổ vũ, tham gia phong trào Phật giáo Cứu quốc tại khu cực Bắc Trung phần, phụ trách các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Khi Hội Phật giáo Bắc kỳ đang trên đà phát triển và đổi tên thành Hội Việt Nam Phật giáo (1945), Hòa thượng Tố Liên, Phó Hội trưởng của Hội vào năm 1946, đã phái thầy Tâm Chính vào Huế mời ngài cùng với Hòa thượng Trí Quang ra lập Phật học viện rất quy mô tại Tùng lâm Quán Sứ nhằm đào tạo Tăng tài, giữ gìn mạng mạch Phật pháp, tiếp nối công cuộc hoằng pháp lợi sinh. Đến đầu tháng 10 Âm lịch năm đó, lệnh toàn quốc kháng chiến được ban hành nên Phật học viện phải tạm xếp lại.

  1. Những đóng góp cho Phật giáo miền Bắc, thống nhất Phật giáo Việt Nam với vai trò lãnh đạo

Khi Hiệp định Genève được ký ngày 20.07.1954, đất nước bị chia đôi, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Ngài trở về trụ tại chùa Quán Sứ giảng dạy giáo lý cho Tăng Ni. Đứng trước thời cuộc và nhu cầu mới, ngài đã nỗ lực vận động Phật giáo đồ miền Bắc để thành lập một tổ chức Phật Giáo Thống Nhất. Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam ra đời vào tháng 3 năm 1958. Ngài được bầu vào ban Lãnh đạo Trung ương và giữ chức Hội Trưởng của Hội từ đó cho đến cuối đời.

Sau khi Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam được thành lập, ngài đã mở nhiều khóa học ngắn hạn và dài hạn để đào tạo Tăng tài giữ gìn mạng mạch Phật pháp, huấn luyện các Giảng sư truyền dạy giáo lý, hoằng pháp lợi sanh tại các tỉnh, thành miền Bắc.

Vào năm 1963 - 1964, Ngài mở một khóa “Tu học Phật pháp” trong một năm.

Lớp chuyên nghiên cứu Duy Thức và Bách Pháp Minh Môn luận được ngài mở vào năm 1968 - 1969.

Vào năm 1970, tại chùa Hoằng Ân (thường gọi là chùa Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội), ngài mở trường “Tu học Phật pháp Trung ương”.

Năm 1972, Ngài mở trường “Trung Tiểu học Phật pháp Trung ương”, khóa học 2 năm, từ năm 1972 đến năm 1974. Sau khóa học đó, ngài mở tiếp lớp chuyên về “Nhị khóa hiệp giải”, khóa học 1 năm, từ năm 1974 đến năm 1975.)

Sau ngày non sông đất nước thu về một mối năm 1975, để tiền đồ Phật giáo Việt Nam thêm xán lạn, ngài hoạch định chương trình quy mô nhằm đào tạo Tăng tài phục vụ cho công tác đối nội và đối ngoại của Phật giáo Việt Nam.

Năm 1975, để duy trì mạng mạch Phật giáo, ngài mở giới đàn tại Tùng lâm Quán Sứ, cung thỉnh Hòa thượng Đức Nhuận làm Đàn đầu và ngài cùng các Hòa thượng: Tâm An, Quảng Dung, Viên Tu, Tâm Tịch, Nguyên Sinh làm Giới sư.

Năm 1976, với tư cách Ủy viên Thường vụ Quốc Hội, ngài được cử tham gia phái đoàn của Nhà nước vào Sài Gòn để dự Hội nghị Hiệp thương Thống nhất đất nước. Liền sau chuyến đi này, ngài về thăm quê hương Bình Định, thăm chốn Tổ, nơi Ngài đã xuất gia tu học, thọ ân giáo dưỡng và thăm các Phật học viện, Tổ đình nơi ngài đã từng làm giáo thọ, thuyết giảng Phật pháp.

Đến đầu năm 1977, trường “Tu học Phật pháp Trung ương” được ngài cho khai giảng khóa học 4 năm (1977-1981) tại Tùng lâm Quán Sứ. Hậu thân của trường này là trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở I, tại Hà Nội.

Năm Mậu Ngọ (1978), để học tăng của trường và các vị xuất gia miền Bắc được chính thức thọ giới, ngài mở giới đàn tại chùa Quán Sứ do ngài làm Hòa thượng Đàn đầu, Hòa thượng Đức Nhuận làm Yết-ma, quý Hòa thượng khác làm Giới sư.

  1. Các công trình biên dịch, trước tác

Về trước tác, Ngài đã dịch, viết nhiều bài nghiên cứu có giá trị trong tạp chí Từ Bi Âm và Viên Âm.

Trên Từ Bi Âm, ngài viết:

(1) Luận về Sóng Thức

(2) Pháp lạy Hồng Danh sám

(3) Lời thích nghi ba câu hỏi của ông Hà Văn Ngạc

(3) Sau khi chết còn hay mất?

(4) Có đời sau hay không?

(5) Xuân và trường xuân

(6) Nghiệp sai biệt của chúng sanh  

Trên tạp chí Viên Âm, ngài viết 4 bài:

(7) Tâm kinh tổng luận

(8) Nhơn sanh quán đăng

(9) Quan niệm của người đạo Phật đối với cái chết

(8) Giá trị thiết thực của nhân sinh

Các kinh sách và tài liệu do Ngài biên dịch và soạn thuật rất nhiều, song vì đất nước chiến tranh nên bị thất lạc hoặc chưa có điều kiện xuất bản như:

- Bát Nhã tâm kinh chú giải
- Thiện Ác Quả Báo

- Bách pháp minh môn luận
- Nhân minh nhập chính lý luận

- Nhân minh khái yếu
- Nhân minh học giải thích
- Phật pháp khái luận
- Toát yếu lịch sử Phật giáo Việt Nam

Các bản dịch giải, các bài viết và khảo luận của ngài thể hiện trình độ uyên thâm Kinh-Luận, Phật lý và tác phong nghiên cứu công phu, thâm hậu của ngài.

Các kinh ngài đã dịch trên Từ Bi Âm:

- Kinh A Di Đà

- Kinh Vu Lan Bồn

- Kinh Kim Cương

Nhờ uyên thâm Hán ngữ, Quốc ngữ, lại giỏi Pháp văn và trong thời gian ngài ở chùa Linh Sơn (Gia Định) có Pháp Bảo Phương chứa nhiều kinh sách, tác phẩm bằng chữ Hán, Pháp văn, cộng thêm tinh thần làm việc nghiêm túc, cần mẫn nên những tác phẩm của ngài dịch rất có giá trị. Các kinh của ngài dịch vừa uyên bác, vừa gần gũi, hấp dẫn người đọc. Các chú giải của ngài rất cặn kẽ, tỉ mỉ, công phu, dễ hiểu, đầy tính khoa học và có lẽ ngài là nhà tiên phong dịch kinh chữ Hán tại Việt Nam ra chữ Quốc ngữ mà có chú thích tiếng Phạn.

Những kinh sách mà ngài đã trực tiếp chỉ đạo và đồng biên soạn với Ban Hoằng Pháp Trung Ương của Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam như:

- Kinh Thủ Lăng Nghiêm

- Phật Tổ tam kinh

- Bát thức quy củ tụng
- Đồng mông chỉ quán
- Phật học thường thức
   ...

  1. Đóng góp trên phương diện ngoại giao giữa các tổ chức Phật giáo trong nước và quốc tế

Về đối ngoại, ngài làm lãnh đạo nhiều tổ chức Phật giáo quốc tế, tham gia nhiều Hội nghị quốc tế, các phong trào hòa bình tại các nước và hoạt động xã hội như: Đại hội Buddha Jayanti, kỷ niệm 2.500 năm Phật nhập Niết-bàn (1956), Đại Hội lần thứ VI của Liên hữu Phật giáo Thế giới (1961), Đại lễ kỷ niệm 1.300 năm ngày viên tịch của ngài Huyền Trang (1964), Tổ chức Phật giáo châu Á vì Hòa Bình (ABCP) (1970 và 1972).

Qua sự các kỳ Hội nghị trên, Hòa thượng luôn dẫn đầu phái đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự, tiếp xúc, đàm phán, thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết, thông hiểu lẫn nhau giữa Phật giáo và nhân dân các nước châu Á, đồng thời khẳng định vị thế của Phật giáo Việt Nam trong trách nhiệm vì hòa bình, thịnh vượng của dân tộc Việt Nam và quốc tế.

  1. Thời kỳ viên tịch

Những năm cuối cuối đời, tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng tinh thần của ngài vẫn minh mẫn. Ngài vẫn nghiên cứu nội điển, đọc sách báo và luôn chu toàn trọng trách chèo lái con thuyền Phật giáo miền Bắc, ưu tư việc thống nhất Phật giáo Việt Nam và hoằng pháp lợi sanh.

Tháng 10.1979, cùng quý Đại biểu của Hội Phật Giáo Miền Nam, ngài dự lễ mít-tinh hưởng ứng tuần lễ đấu tranh bảo vệ hòa bình của tổ chức Phật Giáo Châu Á Vì Hòa Bình (ABCP) tại Hà Nội. Sau khóa lễ, chiều ngày 24.10.1979, ngài gọi thị giả đưa lên Chánh điện lễ Phật và đi quanh khuôn viên, thăm các cơ sở và phòng của Tăng chúng tại Tùng lâm Quán Sứ, xong về lại phương trượng đọc sách như thường lệ. Rồi ngài an nhiên thị tịch ngay tại tòa đọc, hưởng thọ 85 tuổi, 47 năm xuất sĩ. Nhục thân của ngài được cung thỉnh nhập vào Bảo Tháp Đại Nhạn, tại Tổ đình Hoằng Ân (Quảng Bá). Hòa thượng Thích Đức Nhuận truy tán Giác linh ngài hiệu là Kim Quang.

Với học hạnh kiêm ưu, công hạnh Đạo-Đời toàn vẹn, và những đóng góp to lớn cho đạo pháp và dân tộc như thế, Hòa hượng xứng đáng là ngôi sao Bắc Đẩu trong phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo Việt Nam.

Nam mô Lâm Tế Chánh tông tứ thập nhất thế, Bích Liên môn hạ, An Nam Phật học Đốc giáo, húy thượng Như hạ Đăng, tự Giải Chiếu, hiệu Trí Độ Pháp sư Giác linh thùy từ chứng giám.

 

 

[1] Hay 18 tháng 8 năm Ất Mùi (1895)

Lên đầu trang