GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tiểu sử chùa Quảng Phước Tuy Phước

Thôn QUẢNG ĐIỀN – xã PHƯỚC QUANG - Huyện TUY PHƯỚC - Tỉnh BÌNH ĐỊNH

Chùa Quảng Phước hiện tọa lạc trên khoảnh đất số 748, bản đồ số 10, có diện tích 2.288 m2, tại thôn Quảng Điền, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định: Đông giáp gò ruộng, Nam giáp trục lộ liên hương Quảng Điền, Phước Quang, Tân Mỹ, Phước Hòa, Tây giáp Dân cư, lô số 470, Bắc giáp Gò.

Nguyên thủy chùa do tín đồ Phật Tử địa phương thành lập để lễ bái vào năm 1848 (đời Vua Tự Đức nguyên niên), tọa lạc tại xóm Nha Môn, thôn Quảng Điền, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Trải qua thời gian dài chùa là nơi tu học và lễ bái của tín đồ địa phương. Đến thời chiến tranh chống thực dân Pháp, do chiến tranh nên Chùa bị hư hại quá nhiều, dân chúng không còn nơi để lễ bái tu tập. Ngày 16 tháng 7 (nhuận) năm 1928, (mậu Thìn, Bảo Đại niên thứ IV), do nhu cầu cấp thiết để lễ bái và tu học, toàn thể Phật tử tại thôn Quảng Điền đồng tâm cung thỉnh ngài Chơn Quang, tự Đạo Tịnh, hiệu Quảng Hanh là đệ tử của ngài Ấn Bình, Tổ đình Thiên Hòa, đang trụ trì tại chùa Khánh Vân thuộc thôn Văn Quang, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, để đảm trách việc trùng tu Chùa và hướng dẫn tín đồ tu học. Được các cấp chính quyền đương thời chấp nhận và ủng hộ việc trùng tu lại ngôi chùa cũ, ngài Quảng Hanh chuẩn bị xây dựng thì ban ngũ hương thôn Quảng Điền xin dâng cúng cái am tranh tại cụm Chân Bầu, xóm Đình, thôn Quảng Điền làm nơi xây dựng Chùa thay cho Chùa cũ ở xóm Nha Môn, vùng Gò Tháp. Dưới sự chứng minh của Hòa thượng Chơn Tịnh, hiệu Cao Minh, trụ trì chùa Tịnh Liên và sự hướng dẫn của ngài Quảng Hanh, cộng với sự trợ giúp của Ban Ngũ hương, sự đóng góp tích cực của tín đồ địa phương, ngôi Chùa sớm được hoàn thành.

Do hoàn cảnh chiến tranh đầy khó khăn nên chùa được xây dựng bằng tranh, tre vách đất nhưng rất khang trang và mỹ quan, rất tiện cho việc lễ bái và tu học của tín đồ Phật tử. Ngài Quảng Hanh đặc hiệu Chùa là Quảng Phước với từ ý là nhờ hồng ân chư Phật và Bồ Tát, toàn thể dân chúng trong vùng đầy phước báu an lạc và luôn được nhiều may mắn, hạnh phúc trong cuộc sống.

I. CHƯ VỊ TRỤ TRÌ VÀ SỰ KẾ TỤC

Từ khi được thành lập vào năm 1848 cho đến năm 1928, do chiến tranh nên không còn tư liệu nào cho biết là Chùa có các vị trụ trì hay không. Phần tư liệu sau này, chúng ta biết được những Ngài đã nối tiếp nhau làm trụ trì chùa Quảng Phước, hướng dẫn tu tập và làm chỗ dựa tinh thần cho toàn thể tín đồ trong vùng.

1. Ngài CHƠN QUANG hiệu QUẢNG HANH

Năm 1928 (mậu Thìn) Ngài Chơn Quang, Tự Đạo Tịnh, hiệu Quảng Hanh kiêm nhiệm trụ trì Chùa Quảng Phước, tái thiết toàn bộ ngôi Chùa, nhiệt tâm hướng dẫn giảng dạy cho tín đồ Phật tử tu học, xiển dương đạo pháp, đào tạo căn bản tu học Phật pháp cho nhiều thế hệ về sau. Đến năm 1963, vì Phật sự chăm lo giáo dưỡng tăng chúng và đảm trách việc trùng tu chùa Khánh Vân và cũng do tuổi cao, sức khỏe kém, nên Ngài chỉ về chùa Quảng Phước khi có lễ sám. Chùa Quảng Phước thiếu sự chăm nom tu bồi, theo thời gian ngày một xuống cấp.

2. Ngài TRÍ HƯNG

Năm 1939, toàn thể tín đồ chùa Quảng Phước đến chùa Thiên Trúc, cung thỉnh Ngài Trí Hưng về trụ trì. Ngài Trí Hưng là đệ tử của Hòa thượng Ấn Hành trụ trì Chùa Sơn Triều, là sư đệ của Hòa Thượng Chơn Hòa, đang tu học tại Chùa Thiên Trúc. Ngài Trí Hưng hoan hỷ nhận lời. Về đến nơi, thấy Chùa quá xuống cấp, Ngài về nhà cha mẹ nhận phần được chia là căn nhà lẫm, cho tháo dỡ toàn bộ đem về tái thiết và cải hướng Chùa quay mặt về hướng Tây. Ngài trụ trì chùa Quảng Phước vừa được 3 năm thì Ngài Chơn Hòa ở chùa Sơn Triều tịch, Ngài được môn phái mời về cư tang Sư huynh và hướng dẫn tăng chúng. Ngài về Sơn Triều được 2 năm đến năm thứ 3 (1941) Ngài được Hòa Thượng Chơn Tịnh, hiệu Cao Minh, cùng Chư tôn và đạo hữu mời kiêm nhiệm trụ trì chùa Hồng Sơn ở Nhơn Hòa, An Nhơn, Bình Định. Đến cuối đời, Ngài Viên tịch tại chùa Hồng Sơn.

3. Đại Đức THÍCH THẮNG QUANG

Năm 1942, do Chùa đang thiếu ngôi Tăng bảo, với tâm đạo thiết tha, Ban Ngũ hương và tín đồ chùa Quảng Phước đến đảnh lễ Hòa Thượng Như Cam, tự Thanh Khiết, hiệu Ngộ Tâm tại chùa Bửu Liên thôn Tuân Lễ, xã Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định. Hòa Thượng chỉ định đệ tử của Ngài là Đại Đức Thị Hương, hiệu Thắng Quang về trụ trì chùa Quảng Phước, hướng dẫn tín đồ tu học, Đại đức Thích Thắng Quang về trụ trì chùa Quảng Phước được 2 năm nhưng không thuận duyên nên về lại chùa Bửu Liên.

4. Hòa thượng NGỘ TÂM

Năm 1945, một lần nữa Ban Ngũ hương làng Quảng Điền đến chùa Bửu Liên cung thỉnh Hòa thượng Ngộ Tâm kiêm nhiệm trụ trì chùa Quảng Phước để tín đồ và dân làng được nương vào đạo lực và lòng từ bi của Ngài. Cảm động trước lòng thành của dân làng, Ngài nhận lời. Thấy chùa Quảng Phước ngày một xuống cấp trầm trọng, Ngài không đành lòng nhìn ngôi Tam Bảo bị tàn phá theo thời gian. Gặp lúc Đình Quảng Điền dỡ, Ngài tự xuất tiền mua toàn bộ gỗ về trùng tu chùa Quảng Phước và xoay về hướng cũ (hướng tây nam). Xây dựng xong, Ngài kiêm nhiệm trụ trì được vài năm. Do tuổi cao qua lại sông cách trở nên Ngài về ở luôn chùa Bửu Liên nguyên cứu kinh điển và giáo dưỡng tăng chúng.

5. Hòa thượng TỊNH HƯNG

Năm 1948, Ngài Ngộ Tâm ủy thác cho sư đệ húy Như Bá, hiệu Tịnh Hưng, thay ngài trụ trì chùa Quảng Phước. Suốt 3 năm làm trụ trì chùa Quảng Phước, Ngài Tịnh Hưng đã sửa sang, cơi nới thêm cho chùa Quảng Phước rộng rãi khang trang, đạo hữu tín đồ tụ hội đông đúc, đạo pháp ngày càng khởi sắc. Năm 1950, vì nhu cầu Phật sự tái thiết chùa Thiên Phước thôn An Hòa, xã Phước Quang, Tuy Phước, Bình Định do Ngài Ngộ Tâm đảm trách, Ngài Tịnh Hưng phải thay thế sư huynh lo liệu toàn bộ công việc tái thiết này. Ngài nhờ đạo hữu ở Quảng Điền chăm lo hương khói Chùa Quảng Phước, Ngài chỉ về vào những ngày lễ sám, sau một thời gian vì công viêc quá nhiều, tuổi cao, sức khỏe kém nên Ngài ở luôn chùa Thiên Phước không còn lai vãng nữa.

6. Ngài VẠN THIỆN

Chùa Quảng Phước lại thiếu vắng ngôi Tăng bảo. Đến năm 1952, Ban hộ tự cùng tín đồ và dân làng đồng tâm cung thỉnh Ngài Tâm Liễu, tự Như Dương, hiệu Vạn Thiện là Tăng thường trú tại chùa Ông The ở Luật Bình, Phước Quang, Tuy Phước, Bình Định về trụ trì và chăm lo chùa Quảng Phước. Đến năm 1960, Ngài Vạn Thiện vận động tín đồ và nhân dân thôn Quảng Điền tái thiết toàn bộ chánh điện với diện tích: 7,5m x 8m bằng vật liệu vôi, xi măng, gạch ngói. Nhà hậu Tổ với diện tích 6m x 4m bằng tranh, tre vách đất. Ngài còn mua thêm ruộng đất để canh tác sản xuất ổn định sinh hoạt cho Chùa. Với tâm nguyện hoằng hóa lợi sinh, Ngài luôn luôn phát huy tinh thần học Phật, củng cố niềm tin Tam Bảo của tín đồ và dân chúng trong vùng. Chùa Quảng Phước ở giai đoạn này rất thịnh đạt, đáng là nơi quy ngưỡng cho mọi người. Đến năm 1979, (năm Kỷ Mùi) vào giờ Tuất ngày mùng 7 tháng 9, Ngài viên tịch để lại tiếc thương cho tín đồ và dân làng. Để tri ân bậc Đạo sư vì lợi sinh, suốt đời sống và làm theo hạnh nguyện Bồ Tát, nhục thân của Ngài được trí tích vào ngôi Bảo Tháp nằm phía tây nam Chùa để Phật tử chiêm bái. Đệ tử của ngài pháp danh Nguyện Huệ, hiệu Thiện Duyên kế thừa sự nghiệp của Ngài. Do nghiệp duyên còn nặng nên khi mãn tuần bách nhựt của Ngài Vạn Thiện thì thầy Nguyện Huệ hoàn tục. Lại một lần nữa, Chùa không có Thầy. Tuy các đạo hữu vẫn lo bề hương khói, lễ bái nhưng không thể duy trì được sự sinh hoạt thường nhật như khi còn Ngài. Chùa theo thời gian lại xuống cấp, mái dột mối đùn, hư hại nặng nhất là nhà hậu Tổ.

7. Ngài ĐỔNG KHÔNG

Đến năm 1988, Ban hộ tự chùa Quảng Phước nhận thấy Chùa cần có Thầy về trụ trì để lo Phật sự và để hướng dẫn tín đồ Phật tử tu học, nên Ban hộ tự cử người đại diện lên chùa Khánh Vân, thôn Vân Quang, Phước Quang cung thỉnh Ngài húy thượng Thị hạ Thủ tự Hạnh Đạo, hiệu Đổng Không đang trụ trì Chùa Khánh Vân về kiêm nhiệm trụ trì chùa Quảng Phước. Ngài Hạnh Đạo về được 3 tháng thì lo tái thiết nhà hậu tổ đã bị mưa nắng, mối mọt làm sụp đổ. Công việc tái thiết chưa xong, còn dang dỡ thì gặp trở ngại ngoại cảnh không thuận duyên nên Ngài trở về chùa Khánh Vân. Ban hộ tự chùa Quảng Phước lại phải thay nhau lo phụng sự hương khói Tam bảo. Đến ngày 6/10/1993 ( tức rằm tháng 10 năm Quý Dậu) Ban hộ tự lại một lần nữa lên chùa Khánh Vân để cung thỉnh Ngài húy thượng Thị hạ Thủ, tự Hạnh Đạo, hiệu Đổng Không về kiêm nhiệm trụ trì chùa Quảng Phước để tiếp tục lo Phật sự. Đến Ngày 4/02/1994 (tức tháng giêng năm Giáp Tuất) thi hành quyết định số: 158/QĐ-PGBD của Ban Trị sự GHPG tỉnh Bình Định bổ nhiệm Ngài Hạnh Đạo về trụ trì chùa Quảng Phước, Ngài trở về trong sự hân hoan đón mừng của tín đồ Phật tử. Ngài cùng Ban hộ tự và đạo hữu tiếp tục công trình trùng tu nhà hậu Tổ, nhà Đông, nhà Tây với sự chứng minh của Hòa thượng Thích Đổng Quán- viện chủ Tổ đình Thiên Hòa. Trong thời gian trụ trì ở đây, Ngài Hạnh Đạo đã mang ánh sáng Đạo pháp về với tín đồ Phật tử, chùa Quảng Phước ngày một tươi sáng, dân chúng về quy y với Ngài rất đông. Ngài trụ trì chùa Quảng Phước được hơn 3 năm, sau đó vì tuổi cao sức yếu nên Ngài không thường xuyên về chùa Quảng Phước được như trước nữa.

8. Đại Đức THÍCH ĐỒNG AN

Đến ngày mùng 8 tháng 2 năm Ất Hợi (1995) Ban hộ tự đại diện tín đồ Phật tử chùa Quảng Phước đã lên Tổ đình Thiên Hòa đảnh lễ với Hòa thượng Viện chủ Thích Đổng Quán là Bổn sư của Đại đức Thích Đồng An, tự Thông Tường, hiệu Viên Pháp xin Hòa thượng cho Thầy về trụ trì chùa Quảng Phước, thay thế Ngài Hạnh Đạo. Ngày 20 tháng 10 năm Ất Hợi (1995), một lần nữa Ban hộ tự lại lên Tổ đình Thiên Hòa trình giấy thỉnh nguyện của đạo hữu và Phật tử chùa Quảng Phước, Hòa thượng Đổng Quán nhất trí đề cử Đại đức Thích Đồng An về trụ trì chùa Quảng Phước để lo Phật sự theo yêu cầu của Bổn tự với sự hướng dẫn của Ngài Hạnh Đạo (có giấy đề cử của Ngài Hạnh Đạo). Đến ngày mùng 8 tháng 4 năm Bính Tý (1996), nhân ngày khánh thành nhà hậu Tổ, Đại đức Thích Đồng An đã chính thức ra mắt đạo hữu và nhận trách nhiệm thừa đương sự nghiệp của Thầy Tổ giao phó (theo quyết định số: 114/QĐ-PGBĐ ngày 19 tháng 9 năm 2006 – PL: 2550 của Ban Trị sự GHPG tỉnh Bình Định bổ nhiệm Trụ trì). Đại đức Thích Đồng An trụ trì chùa Quảng Phước từ đó đến nay.

Bản tiểu sử này được Hòa thượng Thích Đổng Quán đã duyệt.

 

Lên đầu trang