GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tiểu sử Hoà thượng Thích Đồng Hạnh 1942-2003

 

Phó Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Bình Định

Hiệu phó Trường TCPH Nguyên Thiều Bình Định

Trú trì Tổ đình Hưng Long, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, Tỉnh Bình Định.

 A – THÂN THẾ :

Thượng tọa họ Đoàn, húy Ngọc Tám, pháp danh Đồng Hạnh, pháp tự Đức Thành, pháp hiệu Minh Trí, sinh năm Nhâm Ngọ (1942) tại làng Đại Hào xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, trong gia đình Nho giáo tín Phật. Thân phụ của Thượng tọa là cụ Ông Đoàn Lưu, thân mẫu là cụ Bà Huỳnh Thị Hiếu. Thượng tọa là con út trong gia đình bốn anh em trai. Hai anh lớn đều xuất gia là ĐĐ. Thích Đồng Nghĩa đang cộng tác Phật sự với TT. Thích Đồng Tu, trú trì chùa Vạn Đức – Vạn Minh – Khánh Hòa.

B – XUẤT GIA HỌC ĐẠO :

Vốn có túc duyên với Phật pháp, năm 15 tuổi (1957) được sự chấp thuận cho phép song thân, Thượng tọa xuất gia tu học tại Tổ đình Hưng Long do Bổn sư húy thượng Thị hạ Phong, tự Bửu Quang, hiệu Từ Nhơn xuống tóc cho pháp danh là Đồng Hạnh.

Sau khi Hòa thượng Bổn sư xuống tóc, Thượng tọa hành điệu tại chùa, chăm lo hầu Thầy cùng Huynh đệ và học Kinh luật – oai nghi do Bổn sư chỉ dạy suốt thời gian 3 năm. Đến năm 1960, Hòa thượng Bổn sư gởi Thượng tọa đến Tu viện Nguyên Thiều nhập chúng tu học. Vì nơi đây (Tu viện Nguyên Thiều) là cái nôi đào tạo Tăng tài thời bấy giờ do Giáo hội Bình Định Tổ chức. 1968 Thượng tọa được phép Bổn sư cho thọ giới tại Đại giới đàn Phước Huệ, Thượng tọa được phép Thập sư tấn Tam đàn cụ túc.

Sau đó, vì đất nước chiến tranh, 1969 Thượng tọa thỉnh ý Bổn sư xin nhập chúng an cư tại Tổ đình Long Khánh Qui Nhơn để tu học.

Vào năm 1970, Thượng tọa dự tuyển và học lớp Trung đẳng Phật học Phước Huệ do chư Tôn túc Hòa thượng tỉnh nhà tổ chức tại Tổ đình Thập Tháp – Bình Định.

Sau khi học song khóa Trung đẳng Phật học, Thượng tọa dự học lớp Cao đẳng chuyên khoa Phật học Hải Đức – Nha Trang tỉnh Khánh Hòa vào năm 1974.

C – THỜI KỲ HÀNH ĐẠO :

Sau ngày đất nước không còn tiếng súng, quê hương thống nhất, tại Tổ đình Hưng Long, theo lời chỉ dạy của Hòa thượng Bổn sư, đầu năm 1976 Huynh đệ trong Bổn tự, cùng phát nguyện Tổ chức Giới đàn Phương trượng để tiếp dẫn đàn hậu tấn, dù hoàn cảnh còn khó khổ vẫn Tổ chức an cư liền hai năm, được một số Chư vị Tôn túc và một số Tăng sĩ trẻ đến Thọ học. Năm 1987, Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghĩa Bình thành lập, Thượng tọa được mời giữ chức vụ Thư ký của Ban Đại diện Phật giáo huyện An Nhơn, hai nhiệm kỳ từ 1987 – 1991.

Năm 1989 – 1997 Thượng tọa được cung cử vào Ủy viên Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Bình Định, kiêm Chánh Đại diện Phật giáo huyện An Nhơn, phụ trách Trưởng ban Kinh tế Nhà chùa lúc bấy giờ.

Năm 1997 – 2002 giữ chức vụ Trưởng ban Hoằng pháp Tỉnh hội Phật giáo Bình Định.

Từ 2002 đến ngày về cõi Phật, Thượng tọa được cung cử Phó Ban trị sự kiêm Trưởng Ban kiểm soát Tỉnh hội Phật giáo Bình Định.

Cũng trong năm 1992, Hội đồng Trị sự Trung ương, Ban Giáo dục Tăng ni Trung Ương cho phép Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định thành lập Trường Cơ bản Phật học, nay là trường Trung Cấp Phật học Nguyên Thiều – Bình Định, Thượng tọa được chư vị Tôn đức, Ban Giám hiệu mời giữ trọng trách Quản chúng Tăng sinh và Giáo thọ nhà trường.

Năm 1994 Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Định khai Đại Giới đàn Phước Huệ tại Tổ đình Long Khánh – Qui Nhơn, Thượng tọa được cung thỉnh Đệ nhị Tôn chứng trong Đại giới đàn nầy.

Năm 1995 Tổ đình Hưng Long đã xuống cấp vì thời gian xây dựng quá lâu, Hòa thượng Bổn sư trùng tu ngôi Tam bảo còn dang dỡ thì Hòa thượng viên tịch. Sau năm tháng lo báo ân Hòa thượng Bổn sư xong, Thượng tọa cùng Chư Huynh đệ tiếp tay vào công tác tu sữa ngôi Bảo điện, hậu Tổ và những công trình phụ. Đây cũng là cách báo đáp thâm ân dâng lên Giác linh Bổn sư

Năm 1996, Giáo hội và Ban Giám hiệu mời Thượng tọa giữ chức vụ Hiệu phó Trường Trung cấp Phật học Nguyên Thiều – Bình Định. ( Nay Thượng tọa viên tịch vẫn còn lưu lại trách nhiệm đó, chạnh lòng lắm Thượng tọa ơi! )

Ngoài ra Thượng tọa còn quan tâm tu sữa các ngôi chùa đã bị xuống cấp hay ảnh hưởng hư sập trong chiến tranh, như chùa Long Đa thôn Tân Dân xã Nhơn An – An Nhơn – Bình Định, nơi đây là quê nhà Tôn sư Hòa thượng Thích Đồng Từ, vị giáo thọ khả kính năm xưa; và chùa Thiên Lộc xã Phước Hưng, chùa Quang Hoa xã Phước Quang – Tuy Phước – Bình Định.

D – DỊCH THUẬT :

Dù đa đoan Phật sự, chăm lo giảng dạy cho Tăng Ni nhà trường, nhưng Thượng tọa vẫn quan tâm đến công tác dịch thuật. Năm 1999 Thượng tọa đã dịch quyển Duy Thức Chuế Ngôn.

Đến đầu năm 2001, Thượng tọa lâm bệnh nặng, nhưng Thượng tọa vẫn nhập chúng an cư tại Tu viện Nguyên Thiều – Bình Định. Thượng tọa đã nói với Chư Huynh đệ an cư: “Thân tôi bệnh, chứ tâm tôi không bệnh, Giới lạp tôi không bệnh, tôi vẫn an cư”. Dù Huynh đệ có khuyên nhưng Thượng tọa vẫn mặc nhiên an cư. Giữa mùa an cư, bệnh duyên Thượng tọa trở nên trầm trọng, chư Tôn đức trong đạo tràng an cư phải đưa Thượng tọa vào Sài Gòn trị bệnh mà không thuyên giảm là mấy, nên cuối cùng đưa Thượng tọa về Bổn tự Hưng Long nằm điều dưỡng. Nơi đây, Chư Huynh đệ trong Môn phái tìm mọi cách trị bệnh cho Thượng tọa, nhưng rồi cũng không được. Trong thời gian nầy Chư vị Tôn đức Tăng ni, quý Phật tử xa gần đến thăm viếng, nhưng Thượng tọa không bao giờ lộ vẻ đau buồn mà ngược lại còn tạo cho người đến thăm vui vẻ quên mình là người đi thăm bệnh.

E – VIÊN TỊCH :

Sự nghiệp đang dang dở, bao nhiêu khó khăn còn đó, Thượng tọa đã an nhiên thị tịch vào lúc 19 giờ 10 phút, ngày 26 tháng 11 năm Quý Mùi (tức ngày 19 tháng 12 năm 2003).

Sự ra đi của Thượng tọa đã để lại không biết bao nhiêu tình cảm, đạo nghĩa, những âm thanh của Thượng tọa vẫn còn đọng lại trong từng trái tim của Chư Tôn đức Tăng ni, đặc biệt những tâm hồn non trẻ là học trò của Thượng tọa, các khóa tại trường Trung cấp Phật học Nguyên Thiều – Bình Định.

Cuộc đời của Thượng tọa là tấm gương sáng giới hạnh, tận tụy trong công tác giáo dục và nhiều Phật sự khác.

Đối với bao nhiêu Phật sự khó khăn, chúng tôi vẫn tin tưởng Thượng tọa đủ nghị lực vượt qua, nhưng rồi Thượng tọa không thể nào vượt qua được “sinh ký tử quy” là luật chung của muôn vật.

Trước giờ tiễn đưa nhục Thân của Thượng tọa vào Bảo tháp, Tăng Ni chúng tôi và những người học trò thân thương của Thượng tọa cúi xin đức Từ phụ Tây phương thùy từ tiếp Giác linh Thượng tọa Cao đăng Phật quốc và xin tiễn Thượng tọa với Đạo tình như pháp thanh tịnh.

Nhất tâm đảnh lễ Tân Viên Tịch Lâm Tế Chánh Tôn Tứ Thập Tam Thế Hưng Long Đường Thượng Huý thượng ĐỒNG hạ HẠNH tự ĐỨC THÀNH hiệu MINH TRÍ Thượng Tọa Giác linh Chứng giám.

Pháp đệ THÍCH TRÍ VIÊN Cung soạn

Lên đầu trang