GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tiểu sử Hoà thượng Thích Đồng Thiện 1945-2020

 

Hòa thượng thế danh Trần Đình Hiếu, sinh năm Nhâm Tuất (08/04/1922) tại thôn Vạn Hòa, xã Ân Hảo, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ Trần văn Duệ pháp danh Thị Hộ, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Long pháp danh Thị Kính.

Xuất thân từ gia đình thuần kính Tam Bảo, thế tộc đã nhiều đời thấm nhuần đạo lý Phật gia, vì thế năm vừa lên 9 tuổi gia đình đã sớm tạo nhân duyên để cho Ngài quy y Tam Bảo. Lúc bấy giờ Hòa Thượng Tổ Đình Thiên Bình húy thượng Như hạ Từ hiệu Tâm Đạt truyền pháp quy y cho Ngài với pháp danh là Thị Công tại chùa Thanh Sơn thôn Thanh Lương xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Năm Qúy Dậu, 1933 Hòa Thượng xuất gia đầu sư tại chùa Thanh Sơn với Ngài thượng Thị hạ Thường hiệu Chánh Nguyên, đương thời trú trì thâu nạp với pháp danh là thượng Đồng hạ Thiện. Tòng học với Bổn sư chưa được bao lâu, do nhiều chướng duyên làm trở ngại bước đường học vấn nên Hòa Thượng được Bổn sư bố trí vào huyện An Nhơn để tiếp tục thế học và Phật học. Trong thời gian nầy Hòa Thượng được sự giám hộ của Ngài Tâm Đạt Tổ đình Thiên Bình.

Năm Nhâm Ngọ (1942) tại Tổ đình Hưng Khánh huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định mở trường Hương giới đàn tái thí do Hòa thượng húy thượng Chơn hạ Hương, hiệu Chí Bảo làm đường đầu. Do nhiều nghịch duyên, Bổn sư của Hòa thượng còn trú trì chùa Thanh Sơn và cũng không liên lạc được để xin thọ đại giới, Hòa thượng tác pháp với Hòa thượng Tâm Đạt, húy thượng Như hạ Từ Tổ đình Thiên Bình, huyện An Nhơn để y chỉ và cầu thọ đại giới. Từ thời gian này Hòa thượng chính thức được Ngài Tâm Đạt cho lưu thông pháp danh truyền thừa là thượng Thị hạ Công, hiệu Trí An và thọ đại giới tại giới đàn Tổ đình Hưng Khánh huyện Tuy Phước. Tuy nhiên để tỏ lòng hoài niệm Bổn sư, Hòa Thượng vẫn dùng pháp danh Đồng Thiện là tên tự phổ thông cho đến cuối đời.

Năm Qúy Mùi, 1943 đến năm Giáp Ngọ 1954 Hòa Thượng học Phật pháp với chư vị cao đức trong địa phận huyện An Nhơn và huyện Tuy Phước, thường xuyên tham vấn, lưu học tại các Tổ đình Hưng Long, Thanh Quang huyện An Nhơn, Tổ đình Thiên Đức huyện Tuy Phước và nhiều tự viện khác…Tham gia tổ chức tập thể Tăng” Chúng Lục Hòa” để thực hiện tinh thần thượng cầu hạ hóa thường sinh hoạt tại Tổ đình Tịnh Liên thị trấn Bình Định huyện An Nhơn. Lưu ngụ và bán chính thức trú trì chùa Hồng Liên thị trấn Bình Định để tạo thuận duyên trau dồi thế học tại trường giòng thánh Giu-se thuộc Kim Châu Bình Định.

Năm Giáp Ngọ 1954 đến năm Mậu Tuất 1958, sau hiệp định Geneva phân chia đất nước 1954, Hòa Thượng cùng một số pháp hữu thanh niên đương thời tòng học lớp Tăng Học Đường Trung Việt tại chùa Long Sơn thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa do Tổng hội Phật giáo Trung phần điều hành. Lúc bấy giờ do Đại Lão Hòa Thượng hiện vẫn còn sinh tiền là Ngài Huyền Quang húy thượng Như hạ An làm giám đốc. Học đường này về sau khuếch trương và đổi tên là Phật học viện Hải Đức, nơi đào tạo Tăng tài cho cả Trung phần Việt Nam.

Năm Mậu Tuất 1958, Hòa Thượng cùng chư tôn pháp hữu tòng học tại Nha Trang trở về Bình Định khởi xướng chương trình giáo dục đào tạo Tăng tài ngõ hầu góp phần quang huy cho tiền đồ Phật giáo tỉnh nhà, đặc biệt Phật sự trọng đại nầy trong thời kiến sơ được đặt dưới sự chỉ đạo của Ngài Thượng Như hạ An hiệu Huyền Quang về việc chủ trương sáng lập và điều hành cơ sở. Hạnh nguyện hoằng pháp dần được thành tựu, đạo hiệu của Đại Lão Tổ Sư Nguyên Thiều được chính thức công bố sáng lập vào ngày 15/08 năm Mậu Tuất, nhằm ngày 27/09/1958. Sau đó, qua sự tham gia hộ trì của hầu hết chư tôn thiền đức bản tỉnh mà Tu Viện trải qua bao biến đổi thời cuộc vẫn luôn phát triển không ngừng.

Theo tư liệu lưu tàng tại Tu Viện, y cứ trích dẫn Kỷ yếu kỷ niệm đệ thập chu niên khai sáng Tu Viện Nguyên Thiều được tổ chức tại Tu Viện ngày 17 tháng 11 năm Mậu Thân, nhằm ngày 05/01/1969 thì nguyên khởi hình thành và trực tiếp kiến tạo Tu Viện  là do công khai sơn phá thạch của chư vị tôn đức như: Hòa Thượng Thích Bảo An, H.T Thích Đồng Thiện, H.T Thích Đỗng Quán, H.T Thích Bửu Quang, H.T Thích Thiện Độ, H.T Thích Minh Quang, H.T Thích Quang Ngọc, H.T Thích Nguyên Trạch… và giữ vai trò thượng thủ là H.T Thích Huyền Quang. Công tác kiến lập nầy với sự chứng minh hộ niệm của chư tôn thiền đức thuộc Tổng hội Phật giáo Trung phần và công sức đóng góp của mười phương Tăng, Ni, Phật tử.

Năm Kỷ Dậu 1969 Hòa thượng được chính thức công cử làm đệ nhất trú trì Tu Viện Nguyên Thiều được công bố qua đại hội khoáng đại kỳ I của chư tôn thiền đức toàn tỉnh quy tập tại Tu Viện ngày 17 tháng 08 năm Kỷ Dậu, nhằm ngày 28/ 09/ 1969. Từ đó Hòa Thượng phụng hành hoài bảo lấy công hạnh hoằng pháp lợi sanh làm sự nghiệp, đem hết tâm lực duy trì và khuếch trương cơ sở Tu Viện cho đến ngày viên tịch.

Trong thời gian này Hòa Thượng rất chú trọng đến việc giáo dục học Tăng và ít quan tâm đến việc thế độ đệ tử. Mãi đến cuối đời Ngài mới thâu nhận đồ chúng để có nhân sự duy trì cơ sở Tu Viện. Hiện tại đồ chúng Hòa Thượng thâu nạp lên đến số vài mươi, hiện nay đã trưởng thành và lo Phật sự khắp nơi.

Vào lúc 13 giờ 15 phút ngày 03 tháng 08 năm Tân Tỵ, nhằm ngày 19/09/2001 là ngày bi thương đáng nhớ nhất cho tất cả môn đồ. Bởi do tuổi cao sức yếu không thể nào trái được luật vô thường, Hòa thượng đã lâm bệnh chỉ hơn một tuần trăng, mặc dầu phương tiện y khoa đã tận tình can thiệp, nhưng cỗ xe tứ đại đã không còn hoàn hảo và Ngài đã thâu thần an nhiên viên tịch. Thọ thế 80 năm, nối dòng Lâm Tế đời thứ 42, Tăng lạp 58 tuổi.

Nam Mô Lâm Tế Chánh Tôn tứ thập nhị thế Nguyên Thiều Tu Viện Đệ nhất trú trì húy thượng Thị hạ Công tự Đồng Thiện hiệu Trí An Hòa Thượng Giác Linh tác đại chứng minh

Pháp lữ – Môn đồ pháp quyến đồng phụng soạn

Lên đầu trang