GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tiểu sử Hoà thượng Thích Hoằng Thông 1894-1972

 

 

Đời thứ 41 thuộc dòng Lâm Tế Minh Hải Pháp Bảo

Hoà thượng thế danh Nguyễn Độ (có chỗ ghi Nguyễn Văn Tăng) sinh năm Giáp Ngọ (1894) tại thôn Vĩnh Đinh, huyện Phù Cát. Tài liệu không ghi tên cha mẹ. Hoà thượng xuất gia năm Ất Tỵ (1905) tại chùa Sơn Long, Tuy Phước (nay thuộc Quy Nhơn) với pháp danh Như Huệ. Năm Canh Tuất (1910), Hoà thượng được bổn sư là Hoà thượng Chơn Tâm-Phước Quang (trụ trì tổ đình Sơn Long) ban pháp tự Thanh Nguyên. Năm Bính Thìn (1916), Hoà thượng được bổn sư cho thọ đại giới và ban pháp hiệu Hoằng Thông.

Năm Đinh Tỵ (1917), Ni sư (Phật tử?) Trừng Nga Giải Châu cúng cho Hoà thượng khoảng đất tại phường 3 thôn Cẩm Thượng, Quy Nhơn. Từ duyên đó, Hoà thượng cùng bổn đạo địa phương kiến tạo ngôi chùa Bạch Sa vào năm Mậu Ngọ (1918).

Năm Đinh Mão (1927), Hòa thượng Trừng Chấn-Chánh Nhơn mở trường Hương 3 tháng tại chùa Long Khánh, Quy Nhơn. Hoà thượng được mời làm Giáo thọ trong Ban giảng huấn do Quốc sư Phước Huệ làm Chủ giảng.

Năm Kỷ Tỵ (1929), Hoà thượng cầu pháp với Quốc sư Phước Huệ và được Quốc sư ban pháp hiệu Trí Quả.

Năm Nhâm Thân (1932), Hoà thượng được triều đình cử làm Tăng cang chùa Bạch Sa, cấp 1 bản Độ điệp và thanh Giới đao, nhằm năm Bảo Đại thứ 7.

Cũng năm 1932, thể theo lời thỉnh cầu của ông Võ Chuẩn, tổng đốc tỉnh Kontum, Hoà thượng đã lên Kontum cử hành lễ Kỳ siêu và đặt đá khởi công xây dựng khai sơn chùa Bác Ái.

Năm Đinh Sửu (1937), Hoà thượng được cung thỉnh làm Giáo thọ A-xà-lê tại giới đàn chùa Tịnh Lâm, Phù Cát do Hòa thượng Huyền Giác làm Hòa thượng Đường đầu.

Năm Mậu Dần (1938), chùa Bạch Sa do Hoà thượng khai sơn được triều đình Ban sắc tứ.

 

 

Từ năm 1938 đến năm 1954, Hoà thượng vừa hành đạo vừa tích cực tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo tại tỉnh nhà.

Năm Giáp Ngọ (1954), do bị ảnh hưởng chiến tranh nên Hoà thượng và tăng chúng về trú tại chùa Lộc Hoà ở thôn Tấn Lộc, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Chùa Lộc Hoà sau đó được Hoà thượng dời đến địa điểm mới và đổi thành chùa Bạch Lộc.

Năm 1968, Giáo hội tỉnh Bình Định mở giới đàn tại chùa Long Khánh đã cung thỉnh Ngài chứng minh.

Vào ngày mồng 7 tháng 12 năm Nhâm Tý (1972), Hoà thượng thị tịch, trụ thế 79 năm. Nhục thân Hoà thượng được nhập bảo tháp tại chùa Bạch Sa.

Bia tháp và long vị ghi:

.

Phiên âm:

Sắc Tứ Bạch Sa Tự Khai Sơn Đường Thượng Sắc Thọ Tăng Cang Khâm Ban Đao Điệp Lâm Tế Tứ Thập Nhất Thế Húy NHƯ HUỆ Hiệu HOẰNG THÔNG Đại Lão Hòa Thượng Liên Tòa.

Dịch nghĩa:

Tòa sen của Đại lão Hòa thượng Pháp danh Như Huệ, Pháp hiệu Hoằng Thông, được cấp bằng Tăng cang và ban Giới đao Độ điệp, đời pháp thứ 41 tông Lâm Tế, khai sơn chùa Bạch Sa được Sắc tứ.

Đóng góp cuả Hoà thượng cho Phật giáo tỉnh nhà

Về giáo dục, Hoà thượng tham gia giảng dạy tại trường hương, trường hạ nhằm đạo tạo thế hệ Tăng tài cho Phật giáo. Hoà thượng được cung thỉnh chứng minh và A-xà-lê sư cho các giới đàn trong tỉnh.

Về phát triển Phật giáo, Hoà thượng khai sơ chùa Bạch Sa (Quy Nhơn), chùa Bạch Lộc (Tuy Phước), chùa Bác Ái (Kon tum), chùa Dương Sơn (Tuy Phước), chùa Thanh Sơn, chùa Long Đa (An Nhơn), chùa Hưng Phước (Quy Nhơn) tạo nơi sinh hoạt tu học cho tăng chúng và tín đồ. Hoà thượng cũng tham gia phong trào chấn hưng Phật giáo nhưng tài liệu không ghi rõ.

Về tiếp tăng độ chúng, Hoà thượng xuất gia cho nhiều đệ tử và quy y cho hàng ngàn Phật tử tại gia. Những đệ tử tiêu biểu của Hoà thượng như Hoà thượng Thị Tánh – Từ Nhãn chùa Thọ Sơn, Hoà thượng Thị Thiện – Từ Niệm chùa Long Đa, Hoà thượng Thị Châu – Từ Hàng chùa Bình An, Hoà thượng Thị Niệm – Từ Năng có công thiên di tái thiết chùa Bạch Sa, Hoà thượng Thị Thọ - Từ Nhãn chùa Hưng Phước, Hoà thượng Thị Pháp – Từ Nghiêm chùa Hội Khánh, Hoà thượng Thị Thành – tự Giác Tánh chùa Trường Giác, Hoà thượng Thị Niệm – Từ Vân khai sơn chùa Lộc Sơn, Hoà thượng Thị Thọ - hiệu Viên Giác chùa Bảo Thọ…

Với công hạnh cao quý, Hoà thượng được triều đình ban độ điệp và thanh giới đao. Chùa Bạch Sa do Hoà thượng trụ trì cũng nhờ công hạnh của Ngài mà được triều đình ban biển ngạch sắc tứ. Dù tài liệu về Hoà thượng rất ít vẫn chứng minh sự đóng góp tích cực của Hoà thượng cho Phật giáo tỉnh nhà giai đoạn giữa thế kỷ XX.

Lên đầu trang