GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tiểu sử Hòa thượng Thích Tâm Hoàn 1924-1981

I. - THÂN THẾ:

 Hòa Thượng thế danh NGUYỄN HƯỚNG, pháp danh TÂM HOÀN tự GIẢI QUY, hiệu HUỆ LONG, thuộc dòng thiền phái Lâm Tế đời thứ 43.

   Hòa Thượng sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tý (1924)  trong một gia đình môn phong Nho giáo tại làng Phú Thành, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Giòng họ Nguyễn Phúc định cư dưới chân đồi Phốc Lốc tính đến đời Ngài đã trải qua 7 đời.Thân phụ là cụ ông Nguyễn Phúc Trì tự Tung pháp danh Không Đảnh, đích mẫu là cụ bà Trần Thị Kiện mất sớm, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Chiếu pháp danh Không Chiêu, ông bà đều là đệ tử quy y với Quốc Sư Phước Huệ trú trì Tổ Đình Thập Tháp Di Đà. Thân phụ Ngài là một Hương chức trong làng, một vị đồ Nho giỏi văn chương thi phú, tín ngưỡng  tôn sùng Phật giáo, ông bà sống rất phúc đức nhân hậu với mọi người. Gia đình Hòa Thượng có mười anh em(5 anh em trai, 5 chị em gái) Ngài là con thứ tám. Người anh cả của Hòa Thượng tục danh Nguyễn Cao theo Pháp Sư Phổ Huệ vào Nam, sau đó ở lại định cư lập nghiệp tại Vĩnh Long, người anh thứ năm là Hòa Thượng Không Tôn – Nguyên Giác Trú trì chùa Diêu Quang, xã Nhơn Thọ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Đình, là đệ tử xuất gia của Tổ Phước Huệ được suy cử là Trưởng môn phái của Tổ Đình Thập Tháp sau khi Hòa Thượng Không Hoa – Huệ Chiếu viên tịch. Em trai út là Nguyễn Phúc Thành pháp danh Như Tựu thừa kế tông môn.

II -  XUẤT GIA HỌC ĐẠO:

   Thuở Hòa Thượng còn nhỏ, mỗi lần Quốc Sư Phước Huệ về  Phước Lộc thăm song thân đều ghé thăm thân sinh Hòa Thượng là cụ đồ Hương Hào, hai bên đàm đạo văn chương chữ Hán, truyền trao giáo lý Phật Đà. Hơn nữa thân sinh Hòa Thượng thường về chùa Thập Tháp tả kinh cho Tăng chúng học, hầu hết các vị đệ tử xuất gia của Tổ Phước Huệ đều có học qua Hán văn với thân sinh Hòa Thượng(1), có Hòa Thượng Thích Kế Châu ảnh hưởng cả văn chương thi phú. Từ những thuận duyên sẵn có ấy, Ngài đã sớm thừa hưởng được phước báu từ gia đình trong cả hai lãnh vực, đạo pháp và tri thức. Khi lớn lên, những nếp sinh hoạt mang nặng truyền thống Phật giáo của gia đình, Ngài đều thuần thục. Cũng như hai bậc sanh thành, Ngài luôn ngưỡng mộ nếp sống đạo phong ung dung thanh thoát của các bậc Tăng già phạm hạnh, lời kinh tiếng kệ, cảnh thiền môn đã ghi sâu vào tâm thức Hòa Thượng mỗi khi theo thân sinh về chùa, hun đúc Hòa Thượng chí hướng xuất trần. Lại thêm một nhân duyên quý báu nữa, Hòa Thượng Thích Giác Tánh vốn là học Tăng tại Thập Tháp, thân hữu với bào huynh của Hòa Thượng, tấn dẫn Hòa Thượng xuất gia tại Tổ Đình Long Khánh – Quy Nhơn, sau khi được sự đồng ý của song thân.   

   Hòa Thượng xuất gia vào ngày mùng 8 tháng 4 năm Ất Hợi (1935) vừa tròn 12 tuổi, Bổn sư là Hòa Thượng húy Trừng Chấn hiệu Chánh Nhơn.

   Vốn tính thông minh mẫn tuệ, Năm 1941đựơc Hoà Thượng Bổn sư thương mến cho ra Phật học đường Báo Quốc-Huế học 5 năm (1941- 1945). Thời gian này, Ngài được sự tận tình dạy dỗ của chư Tôn đức giáo thọ nổi tiếng, trong đó có Ngài Đốc giáo Thích Trí Độ và bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám, là hai vị đang nỗ lực đào tạo Tăng tài cho công cuộc chấn hưng Phật giáo. Cùng khóa được đào tạo với Ngài tại Phật học đường Báo Quốc có quý Hòa Thượng Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Huyền Quang, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Nghiêm,  Thích Trí Thành, Thích Trí Luân... Đến năm 1945, vì hoàn cảnh đất nước, Phật học đường Báo Quốc không còn hoạt động, Hòa Thượng trở về lại quê nhà tham gia Phật giáo cứu quốc tại Bình Định, cùng nhân dân chống Pháp xâm lược, thể hiện trọn vẹn tinh thần Đạo pháp và Dân tộc.

   Năm 1944, lúc 20 tuổi Ngài thọ Cụ Túc giới tại Tổ Đình Hưng Khánh, trong giới đàn này Ngài được chọn là Vĩ Sa Di. 

III -  HOẰNG PHÁP ĐỘ SANH:

   Năm Giáp Ngọ 1954 Ngài được tấn phong lên ngôi vị Thượng Tọa và Hội Phật Học mời Hòa Thượng giữ chức vụ Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Trung phần.

   Năm 1959 Hòa Thượng được suy cử chức vụ Phó Hội trưởng Hội Phật học tỉnh Bình Định, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, Đại hội Đại biểu toàn tỉnh suy cử Hòa Thượng chức vụ Phó nhất Đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Bình Định.

   Trong những trách nhiệm nặng nề, Ngài luôn luôn tận tụy đảm đang dày công vun đắp, xây dựng cơ sở Giáo hội, hình thành xây dựng Khuôn hội, Huyện hội, động viên tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng có nơi tín ngưỡng và tu học. Với những năm chiến tranh sôi động, dưới chế độ kỳ thị, đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm và các chính quyền kế tiếp, Ngài đã đối phó can thiệp, trước những hoàn cảnh vô cùng bức xúc, khó khăn đó là những cảnh hăm dọa, bắt bớ giam cầm Tăng ni, Phật tử, chèn ép Phật giáo ở các Huyện – Xã, trong bối cảnh đó Giáo hội vẫn tồn tại trong lòng dân tộc, niềm tin Phật của người Phật tử ngày một vững chắc.

   Về mặt giáo dục và đào tạo Tăng Ni:

   Những năm 1947 - 1948 Hòa Thượng là Giáo thọ sư tại các Phật Học đường Thập Tháp (An Nhơn), Thiên Đức (Tuy Phước).

   Năm 1956 - 1957 là Phó Giám đốc Phật Học đường Nha Trang.

   Hạ bán niên năm Đinh dậu (1957) Môn phái chính thức suy cử Hòa Thượng đảm nhiệm chức vụ Trụ Trì Tổ Đình Long Khánh Quy Nhơn.

   Năm 1960 Hòa Thượng làm Phó Giám viện và Giáo thọ tại Tu viện Nguyên Thiều, Hòa Thượng là một trong mười hai thành viên sáng lập Tu Viện.

    Năm 1968, Ngài làm Chánh Hoá chủ Đại Giới đàn Bình Định tổ chức tại Tổ Đình Long Khánh( trong giới đàn này Ngài cung thỉnh Hòa Thượng Tâm Tịnh - Huệ Chiếu trưởng môn phái đồng chánh Hóa chủ).

    Năm Canh Tuất 1970 Hòa Thượng là Phó Giám viện và Giáo thọ tại Phật học viện Phước Huệ - Tổ Đình Thập Tháp.

  Năm 1973 là Chánh chủ khảo Đại giới đàn Phước Huệ tại Nha Trang,  

  Năm 1976 là Giáo thọ A Xà lê tại Đại giới đàn chùa Hưng Long, Bình Định.

   Để thắp sáng ngọn đèn chấn hưng Phật giáo Việt Nam, từ năm 1957 Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà đã nhịp nhàng với Giáo hội Trung Ương, xiển dương và  hiện đại hoá Phật giáo bằng cách xây dựng, tổ chức các trường Bồ Đề trong tỉnh, nhất là trường Bồ Đề Quy Nhơn, Ngài có công xây dựng từ một ngôi trường Tiểu học nhỏ đến một ngôi trường Trung học lớn, có tầm vóc nhất nhì trong cả nước, có hệ thống tổ chức điều hành vững chắc đạt hiệu quả cao về giáo dục. Với cương vị Giám đốc Trung Tiểu Học Tư Thục Bồ Đề Quy Nhơn, Ngài vừa giáo dục Tăng ni và học sinh, vừa quản lý điều hành trường lớp, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng với chức vụ Trú trì thuyết pháp độ sinh, vừa điều hành công việc Giáo hội với bao nhiêu công việc bận rộn, nặng nề, Ngài đã không quản khó khăn nhẫn nại đảm nhiệm chu toàn.

   Về tổ chức sinh họat GĐPT ở tỉnh nhà, Ngài cũng đã giảng dạy giáo lý, hướng dẫn, đào tạo thế hệ thanh thiếu niên trẻ, con em của các gia đình Phật giáo, những mầm non trẻ của Đạo, từ Oanh vũ đến Đoàn sinh, Thanh thiếu niên và Huynh trưởng có một niềm tin vững chắc đối với Tam Bảo, hiểu biết Phật pháp, xây dựng một tinh thần Từ bi - Trí tuệ và cuộc sống lành mạnh, có hệ thống tổ chức chặt chẽ, đoàn kết và sinh hoạt phát triển tốt. Hòa Thượng cũng thường xuyên mở lớp giảng dạy giáo lý thuyết pháp cho hàng ngàn Phật giáo đồ và dạy dỗ hàng trăm Tăng sĩ tại bản tự. Về mặt truyền pháp độ sinh, đệ tử của Ngài phần lớn đều được gởi đi tu học và xuất thân từ các Phật học đường danh tiếng, nhiều vị đã trở thành giảng sư lỗi lạc, đang tiếp tục con đường hoằng hóa của Ngài. Kể cả giới Cư sĩ Phật tử tại gia cũng không hiếm người lỗi lạc đang tiếp tục tu học ở khắp mọi nơi,. số Thiện tín quy y Tam Bảo có hàng vạn Phật tử ở các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn và Thành phố Hồ Chí Minh.

IV-CÔNG CUỘC TRÙNG TU

     Đối với Tổ Đình Long Khánh, một ngôi cổ tự được khai sáng từ năm 1700 do Tổ sư Đức Sơn, vị Thiền sư người Trung Quốc khai sơn. Trải qua bao năm tháng lịch sử thăng trầm, ngôi cổ tự không còn nguyên vẹn, tuy được các bậc Hòa Thượng kế thừa bao lần thay đổi, trùng tu nhưng vì chiến tranh tàn phá cảnh chùa hoang tàn hư nát. Được sự chủ trương của Hòa Thượng Tâm Tịnh – Huệ Chiếu trưởng môn phái trụ trì Tổ Đình Thiên Đức bán một số ruộng chùa, sự trợ lực của chư huynh đệ trong Môn phái. Năm 1957 Ngài đứng ra làm công cuộc đại trùng tu kéo dài trong 20 năm, đến năm 1976 vì thời cuộc đổi thay nên tạm ngưng. Công cuộc trùng kiến Tổ Đình của Ngài trải qua các giai đoạn sau:

-1956-1957: Hoàn thành việc tái thiết Chánh điện.

- 1958: Xây Tam quan và tường thành.

- 1960: Đúc tượng đồng Đức Thế Tôn.

- 1962: Trùng tu Đông đường và Tây đường.

- 1967: Tái thiết Tổ đường (lầu).

- 1969: Đúc Đại hồng chung Giác Thế Mộng.(2)

- 1971: Tái thiết lầu chuông lầu trống.

- 1972: Tôn trí tượng Đức Di Đà phóng quang.

    Từ công cuộc kiến thiết xây dựng của Ngài đã làm nên đường nét cơ bản tổng thể của ngôi phạm vũ huy hoàng. Đệ tử kế thế trú trì  tiếp nối sự nghiệp ấy tô bồi vun đắp xây dựng ngôi Tổ Đình ngày một khang trang tráng lệ xứng tích với danh lam thắng cảnh của đất Quy Nhơn – Bình Định. 

    Qua các thời đại, Tổ Đình Long Khánh cũng là Phật Học đường gia giáo, là một Phật Học đường khởi đầu cho Phong trào chấn  hưng Phật Giáo cả nước, nhất là miền Trung. Năm 1927, Hòa Thượng Tuyên Linh - Khánh Hòa, người có công đầu trong Phong trào chấn hưng Phật giáo cả nước, đã đến Bình Định và lưu trú tại Tổ Đình Long Khánh 3 tháng để An cư, đồng thời vận động Chư Tăng tại các Chùa hưởng ứng và tham gia công cuộc chấn hưng Phật giáo ấy. Quý Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Thích Thiện Hòa, Thích Hiển Thụy. . . ở miền Nam cũng theo học ở đây do Quốc sư Phước Huệ chủ giảng, các  Hòa Thượng khác trong bổn tỉnh là giảng sư, các thời kỳ tiếp theo là văn phòng của Giáo hội tỉnh.

V- NHỮNG NGÀY CUỐI:

   Cả cuộc đời của Hòa Thượng thể hiện nếp sống tam thường bất túc, giản dị, nhu hoà, nhẫn nhục, lúc nào cũng nghiêm khắc với bản thân, khiêm tốn và nhã nhặn với mọi người. Hòa Thượng rất thương yêu đồ chúng và hết lòng phụng sự Tam bảo, chịu nhiều gian khổ, không từ nan một Phật sự nào, hoan hỷ trong mọi hoàn cảnh. Lúc nào Ngài cũng lo cho Phật Pháp xương minh, miên viễn trường tồn. Tuy Phật sự đa đoan nhưng công phu tu niệm hai thời Ngài không bao giờ trễ nãi, chính điều đó là động cơ thúc đẩy Tăng chúng và Phật tử noi gương tu hành. Hòa Thượng luôn luôn khuyến hóa mọi người nên tinh tấn dũng mãnh trên con đường tu học. Hòa Thượng đã thể hiện trọn vẹn tinh thần của một bậc xuất trần Thượng Sĩ thượng cầu hạ hóa, vị Sa môn nghiêm trì giới luật, uyên thâm Phật Pháp, Tăng già phạm hạnh chốn thiền môn. Ngài đã hy hiến cả cuộc đời mình cho đạo pháp và dân tộc, sơn môn đồ chúng, pháp hữu tình thâm. Trong gần 40 năm:

“Đạo nghiệp Tôn Sư in góc biển,

Bóng vang Hoàng Hạc khuất chân mây.”

  Than ôi! nước chảy hoa trôi vật đổi sao dời, có hội họp tất có phân ly, bóng quang âm thấp thoáng, thân ảo mộng sanh sanh diệt diệt, trải gần 60 năm sống giữa trần đời, hoà đồng cùng nhân thế. Hòa Thượng an nhiên thị tịch lúc 5giờ sáng mùng 07 tháng 03 năm Tân Dậu (1981) tại Tổ Đình Long Khánh thành phố Quy Nhơn, hưởng thọ 58 tuổi đời, 38 tuổi đạo. Sau khi Ngài viên tịch, Viện Hoá Đạo xét công đức cao dày của Ngài trong việc hoằng hóa độ sanh và xây dựng Giáo hội, tấn phong Ngài lên ngôi vị Hoà Thượng, mặc dù tuổi đời chưa đến sáu mươi (60). Hoà Thượng đến rồi tự tại ra đi khi duyên trần đã mãn, để lại:

“Cháu truyền đăng Lão Tổ Thanh Cần, nguy nguy pháp tướng trang nghiêm

Con tục diệm Tôn Sư Trừng Chấn, hạo hạo chơn tâm thanh tịnh”

Đạo phong của Ngài, pháp âm của Ngài luôn tồn tại mãi mãi với thời gian.

NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔN TỨ THẬP TAM THẾ SẮC TỨ LONG KHÁNH ĐƯỜNG THƯỢNG HUÝ THƯỢNGTÂM HẠ HOÀN HIỆU HUỆ LONG NGUYỄN CÔNG HÒA THƯỢNG GIÁC LINH.


Môn đồ pháp quyến biên soạn và bổ sung
cung tuyên nhân lễ tưởng niệm năm thứ 31 Đức Tôn Sư viên tịch. 

Ghi chú:

1)      Hiện còn Đại lão Hòa Thượng Thích Mật Hạnh viện chủ chùa Tân An.

2)      Bài thơ do Hòa Thượng sáng tác sau khi Đại Hồng chung Giác Thế Mộng hoàn thành.

“Thức tỉnh non sông một tiếng hòa

Hồng chung vang dội khắp gần xa

Ngân lên tiếng nói tình huynh đệ

Gà gáy tin vui đến mọi nhà”

  



Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (1)

 

Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (2)

 

Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (3)

 

Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (4)

 

Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (5)

 

Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (6)

 

Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (7)

 

Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (8)

 

Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (9)

 

Phat hoc vien Phuoc Hue tai Binh Dinh_20_2_1970 (10)
 
***

Photo Sources: Tổ Đình Long Khánh, Quy Nhơn &  FB Truong Phuc Nguyen 

 

Lên đầu trang