GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tiểu sử Ni Trưởng Thượng TÂM Hạ HOA

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ NI TRƯỞNG Thượng TÂM Hạ HOA

 

 

                 - Chứng minh Phân Ban Ni Giới/Ban Tăng Sự TW. GHPGVN

                 - Nguyên Phó Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định

                 - Chứng minh Phân Ban Ni Giới/Ban Tăng Sự GHPGVN tỉnh Bình Định

                 - Viện chủ chùa Tâm Ấn, phường Lê Lợi, Tp Quy Nhơn, tỉnh Bình Định

 

I/ THÂN THẾ VÀ THIẾU THỜI:

Ni trưởng thế danh Nguyễn Thị Diệp, húy thượng Tâm hạ Hoa, hiệu Thiền Dung, tự Diệu Liên, thuộc hệ phái Lâm Tế  Liễu Quán đời thứ 43. Sinh năm 1916 tại làng Tân An, thành phố Cần Thơ. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Quý Công, hiệu Từ Phúc Nhơn, là một nhà nho uyên thâm về đạo Khổng và đạo Lão. Thân mẫu là cụ bà Đào Thị Lớn, pháp danh Giác Xuân, là một Phật tử rất thuần thành, thâm tín Phật pháp. Hai thân sinh vốn quê làng Lộ Bao, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Xuất thân từ một gia đình Nho giáo, tin Phật, được thân mẫu thường xuyên giảng giải về giáo lý nhà Phật, nên từ nhỏ Ni trưởng đã thấm nhuần giáo lý Phật đà và mang trong mình một tấm lòng từ bi, vị tha vô hạn, không nỡ đưa tay sát hại một sinh linh dù là rất nhỏ. Tuy là con thứ trong gia đình, nhưng lại được cha mẹ thương yêu chìu chuộng nhất nên hằng ngày thường theo mẹ đến chùa lễ Phật, tụng kinh, bái sám và học hỏi giáo lý. Ngày tháng trôi qua, Ni trưởng đã huân đúc cho mình một bản hoài cao rộng là xuất ly gia đình, xuất gia tầm sư học đạo. Nhiều lần xin song thân cho đi xuất gia, nhưng đều bị ông bà chối từ vì ngại xa con thơ. Do bởi thuận duyên chưa đến và cũng để đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của hai đấng song thân, Ni trưởng đành ở lại nhà chăm lo học tập và hiếu thảo với cha mẹ, chờ đợi cơ duyên để thực hiện hoài bão lớn lao của mình. Thấm thoát đã đến tuổi 17, chí nguyện xuất trần quá mạnh, nghĩ mình không thể chần chờ được nữa, Ni trưởng quyết tâm lên đường tầm sư học đạo.

 

II/ XUẤT GIA – THỌ GIỚI:

Ngày 18/2/1932(17 tuổi) sau khi từ giã cha mẹ, Ni trưởng được HT. thượng Đạt hạ Quang, tự Tôn Minh, hiệu Huệ Định trú trì chùa Phước Long, Cái Tàu Hạ, tỉnh Sa Đéc thâu nhận làm đồ đệ. Đến tháng 5/1932 được Hòa thượng làm lễ quy y và thế phát.

Đến năm 1935 (20 tuổi) HT. trú trì chùa Phước Long thấy mình tuổi đã cao mà mà đồ đệ tuy thân là nữ nhi mà chí hướng thì đáng bậc trượng phu, ham mê học hỏi nghiên cứu kinh sách, có thể làm được việc lớn nên đã gởi Ni trưởng cho HT thượng Trừng hạ Thông tự Chơn Thường, hiệu Tịnh Khiết (là Đệ Nhất Tăng Thống GHPGVNTN), trú trì chùa Tường Vân - Huế làm Bổn sư. Không bao lâu HT Phước Long viên tịch, Ni trưởng được Hòa thượng chùa Tường Vân ban cho pháp danh là thượng Tâm hạ Hoa, tự Diệu Liên, hiệu Thiền Dung.

Cuối năm 1935 HT mở giới đàn phương trượng cho thọ giới Sa di ni và Thức xoa ma na, lúc đó có quý Hòa thượng Trí Thủ, HT. Mật Nguyện, HT. Mật Hiển, HT. Mật Thể, HT. Thiện Hòa, HT. Thiện Hoa …làm thập sư

Năm 1937 (22 tuổi), Ni trưởng thọ giới cụ túc, do HT Kim Huê làm đàn đầu, HT Vạn An làm Yết ma, HT Bảo Sơn làm Giáo thọ, Giới Đàn này rất đông nên chỉ thọ tập thể chứ không tấn đàn.

Mãi đến năm 1943(28 tuổi), tất cả quý Ni trưởng thỉnh cầu quý Hòa thượng cho thọ giới lại để giới đàn được trang nghiêm y luật, giới đàn này do HT Tôn Thắng  ở Đà Nẳng làm Đàn đầu, HT Trí Thủ làm Yết ma, HT Mật Hạnh làm Giáo thọ, HT Hải Đức Giác Phong là Đệ nhất tôn chứng, HT Chơn Không hiệu Từ Ân là Đệ nhị tôn chứng…(lúc đó giới đàn không đặt tên)

 

III/ QUÁ TRÌNH TU HỌC:

Đầu năm 1932, tu học tại chùa Phước Long.

Đến năm 1933 ra Huế tu học tại chùa Từ Đàm

Năm 1934 trở về học tại chùa Quan Am, thuộc ngã năm Bình Hòa, tỉnh Gia Định

Xét thấy việc học không tiến triển nên đến năm 1935, Ni trưởng trở lại ra Huế học tại Ni viện Diệu Đức.

Cuối năm 1937, quý Ni trưởng Miền Nam, lúc bấy giờ cũng đã trưởng thành, nên cùng nhau trở lại Cái Tàu Hạ vận động mở Ni viện tại chùa Bà Sa Sàng để tiếp tục học, lớp học này do quý Hòa thượng Kim Huê, HT Mật Hiển và Ni trưởng Diệu Tịnh cùng đảm trách.

Năm 1939 - 1940, tiếp tục lên Cái Khoa chùa Vạn An học, cũng do quý Hòa Thượng trên đảm trách.

Năm 1942, trở về Nha Trang, học tại chùa Hải Đức, do Hòa thượng Giác Phong và Hòa thượng Bích Nguyên đảm trách.

Năm 1943, vào Thủ Đức học với Hòa thượng Phước Tường cho đến cuối năm 1954.

Năm 1955, học ở Đà Lạt và học khóa giảng sư với Hòa thượng Thiện Minh và Hòa thượng Trí Nghiêm.

Mặc dù thời kỳ khó khăn, trường lớp chưa được mở quy mô, là Ni giới với tấm thân yếu đuối, nhưng Ni trưởng vẫn không ngại khó khăn, bôn ba đây đó khắp các miền để học tập, nghiên tầm giáo điển, hầu dìu dắt ni chúng trong mai hậu.

 

IV/ CÔNG HẠNH – HÀNH ĐẠO :

Sau khi từ giã song thân, Ni trưởng bán đi số tư trang mà hai đấng sanh thành đã sắm cho từ nhỏ, cùng với sự chắt chiu dành dụm, không bao lâu đã mua được một lô đất và lập nên một ngôi chùa Quan Am (ngã năm Bình Hòa, bấy giờ thuộc tỉnh Gia Định). Thời gian bôn ba khắp nơi để nghiên tầm giáo lý Phật đà, với bản hoài « tiếp độ ni chúng », Ni trưởng nhận thấy nơi quê hương Bình Định, đương thời vẫn chưa có chúng ni. Thế rồi cơ duyên đã đến, năm 1945, rời Miền nam thân yêu, Ni trưởng về Bình Định và nhận ngôi chùa Sanh Liên, thuộc thôn Trung Ái, xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, Bình Định. Thời kì chiến tranh, dân chúng nghèo khổ, nên ngôi chùa chỉ đơn sơ mái tranh vách đất. Đến năm 1949, xét thấy tín đồ lui tới chiêm bái lễ Phật ngày một đông, Ni trưởng cho tu bổ, sữa chữa lại bằng mái ngói cho trang nghiêm và quang đãng hơn.

Trong 9 năm kháng chiến, không làm được Phật sự, chỉ ở lại bản tự, tiếp nhận đồ chúng và chỉ dạy kinh luật cho hàng đệ tử. Xét thấy lúc bấy giờ, người dân quê bị mù chữ rất nhiều, nhất là các cháu trong vùng, Ni trưởng đã khuyến khích và động viên các cháu đến chùa để kèm dạy từ lớp vỡ lòng cho đến lớp 5, trong đó có cả những vị trung niên.

Năm 1956, sau mùa An cư kiết hạ ở Đà lạt, Ni trưởng trở về Quy Nhơn, động viên tín đồ Phật tử, khai sơn chùa Tâm Ấn. Nhân dịp này thuyết giảng giáo pháp cho Phật tử các vùng trong tỉnh.

Năm 1960 nhận thấy đất chùa Sanh Liên quá chật, vả lại ở trong xóm xa, bất tiện cho việc đi lại, nên Ni trưởng dời ngôi chùa này ra quốc lộ 19, xây dựng lại mới toàn bộ, nhưng hiệu chùa Sanh Liên vẫn giữ nguyên. Công trình xây dựng đến tháng 12/ 1962 mới được hoàn thành.

 Năm 1962, lúc bấy giờ Ni bộ thành lập trụ sở TW tại Tổ đình Từ Nghiêm – bấy giờ thuộc đô thành Sài Gòn, nay là Tp. Hồ Chí Minh. Ni trưởng giữ chức trưởng ban Ni bộ tỉnh Bình Định và Phó Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định. Và rồi, đạo mạch trường lưu, giáo pháp được truyền thừa. Lúc bấy giờ Ni trưởng cũng đã già, nhưng không ngại khó khăn gian khổ, hoằng đạo khắp hang cùng ngõ hẻm. Thế rồi năm 1967 Ni trưởng lại nhận thêm một ngôi chùa tranh tại An Mỹ, Gia Lai (tục gọi là chùa bà Cửu Tám). Trải qua thời gian lâu xa, ngôi chùa này đã cũ nát, nơi thờ phụng tín ngưỡng cho Phật tử không được trang nghiêm, lại thêm chật hẹp. Đến năm 1974, Ni trưởng tiếp tục tái thiết lại toàn bộ ngôi chùa, và xoay hướng chánh điện lại, khang trang và rộng rãi hơn. Nay được gọi là chùa An Thạnh, tỉnh Gia Lai.

 Năm 1958, quý Hòa Thượng, Thượng Tọa tỉnh Bình Định, thành lập tu viện Nguyên Thiều. Sơ khởi tài chánh còn thiếu, Ni trưởng cũng đóng góp một số tài chánh và động viên quý Phật tử cúng dường để công tác của Chư Tôn Đức được sớm viên mãn.

Năm 1958 – 1975 luôn luôn tham gia đóng góp sức mình, cùng với quý Ni trưởng tại Miền nam, mở nhiều giới đàn, tổ chức tại Từ Nghiêm, luôn là Đệ Nhất Tôn Chứng và trong Ban giám khảo.

Năm 1972 ban điều hành Ni viện Diệu Quang cũng mời ni trưởng vào Nha Trang để bàn lo việc giới đàn và cũng làm Đệ Nhất Tôn Chứng. Cùng năm ấy, ni trưởng được mời ra Đà Nẵng làm Đệ Nhất Tôn Chứng cho giới đàn Vĩnh Gia (bên ni).

Ni trưởng thượng Tâm hạ Đăng trú trì chùa Linh Sơn – Nha Trang mở giới đàn cũng mời Người làm Đệ Nhất Tôn Chứng.

Ni trưởng thượng Vĩnh hạ Bửu mở giới đàn tại chùa Hương Tích – Sài Gòn (nay là TPHCM) cũng mời Ni trưởng làm Yết Ma.

Ngoài ra, trong những năm kể trên, Ni trưởng cũng đã từng khai đàn thí giới tại chùa Tâm Ấn cho các giới tử trong và ngoài tỉnh thọ Sa-di-ni và Thức-xoa-ma-na. Những giới đàn này ni trưởng luôn làm HT đàn đầu, ni trưởng thượng Tịnh hạ Viên làm Yết-ma, ni sư Hạnh Nghiêm làm giáo thọ.

Năm 1989 làm Hòa Thượng đàn đầu (ni giới) cho giới đàn Nguyên Thiều tại chùa Tâm Ấn do BTS. GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức. Vào năm 1992 Ban Trị Sự tỉnh nhà mở trường cơ bản Phật học tại tu viện Nguyên Thiều. Nhưng Giáo hội bây giờ còn đang khó khăn, tạm thời ban đầu chỉ có chỗ tạm trú cho Tăng sinh, còn Ni sinh thì chưa có. Là Ni trưởng trong bản tỉnh, xét thấy Ni sinh chưa có chỗ nội trú chính thức, vả lại thân gái yếu ớt, nên Ni trưởng ngày đêm trằn trọc, băn khoăn, lo lắng cho đàn hậu học. Cuối cùng đã xin HT Đổng Quán cho ni sinh tạm trú tại chùa Thiên Hòa trong một thời gian để đi học cho gần. Nhưng đến mùa nước lũ, nước tràn đầy đồng, con sông đi qua lại rất nguy hiểm. Trong hoàn cảnh như vậy, một lần nữa Ni trưởng lại trăn trở, thao thức lo âu, nên đến cuối năm đó Ni trưởng xin quý Hòa Thượng cho phép thành lập cư xá ni trong khu vực đất Tu viện Nguyên Thiều. Được sự hoan hỷ của quý Hòa Thượng, Thượng Tọa và để góp một chút gì đó kinh phí cho Ban Giám Hiệu, Ni Trưởng liền viết thư cho đệ tử của mình ở bên Mỹ là NT. Nguyên Thanh, vận động quý phật tử ở hải ngoại, kêu gọi sự đóng góp tài chánh của Chư tôn Đức ni trong bản tỉnh, Cư xá ni từ đó được thành lập, chúng ni có nơi chỗ an tâm tu học.

Năm 1993, nhận thấy tuổi già sức yếu, Ni trưởng phát nguyện trùng tu lại ngôi chùa Tâm Ấn cho rộng rãi và trang nghiêm hơn, để tín đồ Phật tử có nơi chiêm ngưỡng và lễ bái. Thế là ngôi chùa được khởi công, mãi đến năm 1995 mới được hoàn thành.

Năm 1994, làm Hòa Thượng Đàn đầu (giới đàn ni) Đại giới đàn Phước Huệ do BTSGHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức.

Năm 2000, làm HT đàn đầu (giới đàn ni) Đại giới đàn Chánh Nhơn do BTSGHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức.

Năm 2001, nhận thấy nhà hậu tổ, nơi thờ phượng đã bị hư hỏng nặng, lại một lần nữa ni trưởng xin chính quyền cho sửa sang tái thiết.

Năm 2004, làm HT đàn đầu (giới đàn ni) Đại giới đàn Huệ Chiếu do BTSGHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức.

Khi đất nước thanh bình, các hệ phái Phật giáo đều thống nhất và BTS.GHPGVN tỉnh Bình Định được thành lập, Ni trưởng đảm trách phó BTS. GHPGVN Bình Định.

Trong những năm lo công tác Phật sự, Ni trưởng vẫn không quên kiên trì giới luật và sách tấn môn đồ cũng như hàng ni chúng trong bản tỉnh tu học. Mỗi năm vào mùa an cư kiết hạ, Ni trưởng thường dạy kinh luật cho ni chúng trong trường hạ, chú trọng nhất là hai bộ luật: Tỳ-kheo-ni sao và Tứ phần luật ký.

 V. TIẾP TĂNG ĐỘ CHÚNG :

Song song với công tác Phật sự, xây dựng, trùng tu, kiến thiết chùa chiền, ni trưởng không quên bổn phận của người xuất gia là : « Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức ».

Đến năm 1980, thấy mình đã lớn tuổi nên không thâu nhận đệ tử nữa. Những vị xuất gia sau này đều giao cho ni trưởng Hạnh Quang đảm nhận để mai sau có người cùng chung lo Phật sự với ni trưởng tại tổ đình Tâm Ấn. Trong hiện tại ni trưởng có hơn 40 vị đệ tử, hầu hết đều đã thành đạt, trú trì rải rác khắp mọi miền đất nước và hải ngoại.

VI. NHỮNG NGÀY CUỐI ĐỜI:

Vẫn biết rằng cảnh đời là mộng huyễn, sắc thân chỉ do tứ đại hợp thành nên không tránh khỏi cảnh sanh, lão, bệnh, tử. Ni trưởng một đời lao tâm, lao lực, đem hết tâm nguyện phục vụ đạo pháp. Những ngày nằm trên giường bệnh, tuy thân nằm đó nhưng tâm trí vẫn lo lắng cho ni chúng tỉnh nhà và sự trường lưu của ni chúng trong mai hậu. Thân bệnh nhưng tâm không bệnh, Ni trưởng vẫn rất sáng suốt, dạy bảo những điều Phật sự quan trọng khi có ni chúng thỉnh ý. Dặn dò chúng đệ tử những điều cần làm sau khi Ni trưởng viên tịch.

Lúc nào Ni trưởng cũng nhắc nhở hàng đệ tử, hãy khắc ghi trong lòng và thực hành lời dạy của Ngài Hương Hải Thiền sư :

«  Nhạn quá trường không,

Ảnh trầm hàn thủy ;

Nhạn vô di tích chi ý,

Thủy vô lưu ảnh chi tâm. »

Như trái cây đã chín, như cuộc hành trình dài đã đến đích, Ni trưởng an nhiên thị tịch vào lúc 12 giờ 43 phút ngày mồng 01/8/Mậu Tuất (nhằm ngày 10/9/2018).

Trụ thế 103 năm, 80 hạ lạp.

Ni trưởng xứng đáng là bậc “Tòng Lâm Thạch Trụ”, là cây đại thọ che mát cho ni chúng tỉnh nhà và môn đồ tứ chúng khắp nơi. Tinh thần lợi tha, phụng sự của Ni trưởng vẫn còn mãi với Đạo pháp. Lời dạy của Ni trưởng vẫn khắc sâu vào ký ức của chúng  con. Sự ra đi của Ni trưởng vào cõi Niết Bàn bất sinh, bất diệt để lại niềm tiếc thương vô hạn với Môn đồ, Pháp phái, Chư tôn Thiền đức Tăng Ni và Thiện nam tín nữ Phật tử xa gần. 

 

NAM MÔ TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG

TỨ THẬP TAM THẾ, TÂM ẤN NI TỰ

HÚY Thượng TÂM Hạ HOA, Tự DIỆU LIÊN

Hiệu THIỀN DUNG,

NI TRƯỞNG BỔN SƯ GIÁC LINH THÙY TỪ CHỨNG GIÁM.

Lên đầu trang