GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tiểu sử Trưởng lão Thích Giác Dưỡng

 

 

ĐỆ NHẤT PHÓ GIÁO ĐOÀN III KHẤT SĨ VIỆT NAM (1921 -1994) 

Đức cố Trưởng lão Thích Giác Dưỡng, thế danh Đào Vọng, sinh năm Nhâm Tuất (1921) tại thôn Thanh Liêm, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Đào Thực. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Biếu. Cả hai ông bà đều là dòng dõi Nho phong, đạo đức.

Thời thơ ấu được cắp sách đến trường và đã học xong bậc trung học trong thời Pháp thuộc. Sau vì hoàn cảnh gia đình nên Ngài xin nghỉ học. Đến năm 22 tuổi, Ngài vâng lệnh song thân lập gia đình với cô Đào Thị Thao, pháp danh Ngọc Lan, hạ sanh được 5 người con, 2 trai 3 gái.

Vốn sẵn có duyên với Phật nên năm 1960, Đạo Phật Khất Sĩ được truyền về xã nhà Đập Đá, do Đức Thầy Giác An lãnh đạo. Ngài xin quy y và được Đức Thầy chứng minh thọ ký với pháp danh Thiện Chi. Từ ấy, lối đi đã chọn và sự nghiệp đã bắt đầu chuyển mình.

Đến năm Quý Mão (1963), vì nhận sâu được đạo lý vô thường, kiếp người mong manh, nên Ngài quyết chí xuất gia. Với một tấm lòng tha thiết cầu đạo, với một ý chí sắt đá, thệ nguyện ly gia nên được Đức Thầy hoan hỷ tiếp độ. Ngài thọ Sa-di giới vào ngày Rằm tháng 7 năm Ất Tỵ (1965), tại giới đàn Tịnh xá Ngọc Cát, Phan Thiết, Bình Thuận, pháp danh là Giác Dưỡng [1], và thọ Tỳ-kheo giới tại Giới đàn Tịnh xá Ngọc Hải, Cam Ranh vào ngày 15 tháng 7 năm Kỷ Dậu (1969). Từ ngày nhận lãnh Y Bát làm người Khất Sĩ, bước chân của Ngài đã đi khắp đó đây. Hết thảy các miền tịnh xá của Giáo đoàn III, Ngài đều có đặt chân đến.

Năm 1975, Ngài được Giáo hội bổ nhiệm về trụ trì Tịnh xá Ngọc Duyên ở xã Đập Đá cho đến ngày viên tịch.

Trong suốt cuộc đời hành đạo, cố Trưởng lão Giác Dưỡng luôn luôn là vị thầy tinh nghiêm giới luật, đạo hạnh tròn đầy, nên Tăng chúng trong giáo đoàn đều kính mến và noi gương tu học. Do đó, Ngài được tấn phong vào hàng Thượng tọa vào năm 1980. Đến năm 1992 lại được giáo đoàn suy cử vào chức vị Đệ nhất Phó Giáo Đoàn III Khất Sĩ.

Do phước duyên nhiều đời hội tụ, nên trong gia tộc của Ngài đã có nhiều người xuất gia tu Phật như: cố ĐĐ. Giác Nên là em ruột của Ngài, và trong 5 người con đã có hết 3 vị là tu sĩ: TT. Giác Phùng; SC. Liên Hoa; SC. Hà Liên đã theo dấu chân Ngài.

Phàm trong thế giới hiện tượng này, cái gì có sanh ắt phải có diệt. Nhục thân của Ngài cũng thế, phải suy tàn theo biến dịch của thời gian. Vào ngày mồng 7 tháng 2 năm Giáp Tuất (18- 3- 1994), Ngài đã xả bỏ báo thân trở về cảnh Phật, hưởng thọ 73 tuổi đời, 31 tuổi đạo.

Nhục thân của Ngài được an tán trong phạm vi Tịnh xá Ngọc Duyên và tại đây một bảo tháp được Tăng Ni, thiện tín dựng lên để tưởng nhớ và ghi sâu vào lòng mọi người một bậc tu hành chân chính.

Môn đồ pháp quyến kính ghi

 

Lên đầu trang