GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tiểu sử Trưởng lão Thích Giác Phất 1922 – 2008

 

 

I/ Thân Thế Thời Niên Thiếu:

Trưởng lão Thích Giác Phất, thế danh Võ Bích, sinh ngày 10 tháng 02 năm 1922 tại tỉnh Quảng Nam trong một gia đình phúc đức, lễ giáo. Thân phụ của Ngài là Cụ ông Võ Đăng Đôn, thân mẫu là bà Trần Thị Nấu. Ngài là con trưởng nam trong một gia đình có ba anh em, một trai, hai gái, sống nếp thuần lương, đạo đức, nho phong lễ giáo, chơn chất hiền hòa.

Thời thơ ấu theo cha mẹ vào trú quán ở phường 3, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, một vùng đất miền trung nước Việt nơi Tổ sư Liễu Quán và nhiều bậc danh tăng.

Ngài được song thân cho đi học trong trường làng, đến năm 16 tuổi thôi học rồi đi học nghề và phụng dưỡng song thân lúc xế chiều.

 II/ Thời Kì Trưởng Thành:

 Năm 1945, Ngài tham gia cách mạng chống pháp được nhà nước tuyên dương. Năm 32 tuổi, Ngài vâng lời song thân lập gia thất để nối dõi tông đường. Ngài sánh duyên cùng Cô Huỳnh Thị Trà; một người con gái nết na, hiền hậu, đảm đang trong gia đình, hạ sanh được hai người con trai. Sau ngày Ngài đi xuất gia thì Cô quy y Tam Bảo và trở thành một Phật tử hộ đạo thuần thành với pháp danh Ngọc Dai.

Vốn có túc duyên xưa, vào năm 1960, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, do Đức Thầy Giác An về hành đạo tại Tuy Hòa, Phú Yên. Người được nghe đạo nhiệm mầu như bừng tỉnh thức giác ngộ nên phát bồ đề tâm xin quy y Tam Bảo. Được Đức Thầy Giác An chứng minh thọ kí với pháp danh Thiện Bảo. Từ ngày ấy Ngài chuyên tâm nỗ lực hành trì năm giới và ba pháp quy y Tam Bảo  làm tròn bổn phận người Phật tử tại gia.

 III/ Thời Kì Xuất Gia:

Duyên lành đã đủ, nguyện lực chín mùi … Ngài ngộ lí Vô Thường, khổ không, Vô Ngã, cõi đời tạm bợ, kiếp người mong manh. Với ý chí kiên định, nhất tâm cần cầu giải thoát, Ngài xin Đức Thầy Giác An tiếp nhận vào hàng ngũ xuất gia. Với ý chí đó, Đức Thầy hoan hỷ tiếp độ cho Ngài xuất gia vào ngày mùng 08 tháng 3 năm 1963 tại Tịnh xá Ngọc Phú, Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Từ đây, Ngài chuyên tâm tu học, tra dồi giới đức và được Giáo Hội xem xét cho lên lớp Sa Di vào ngày 15 tháng 7 năm 1963 tại Tịnh xá Ngọc Pháp, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa với pháp danh Giác Phất.

Một thời gian theo Thầy, hết lòng siêng năng tu tập, công quả, nghiên cứu Kinh, Luật, Luận, thực tập tứ oai nghi tế hạnh. Đức Thầy và Giáo Hội xét thấy Ngài có đủ đức hạnh và điều kiện cho lên lớp Cụ Túc Giới vào ngày 15 tháng 07 năm 1967 tại Tịnh xá Ngọc Quang, thành phố Buôn Ma Thuộc, tỉnh Đắk Lắk. Từ ngày thọ nhận Y Bát Chơn Truyền làm người Khất Sĩ, bước chân hành đạo của Ngài đi khắp ba miền Nam, Trung, Bắc. Bước chân ấy đã đặt lên các miền Tịnh xá Giáo Đoàn III Khất Sĩ.

 IV/ Hành Đạo Và Trụ Xứ:

  • Tháng 7 năm 1964 trụ trì Tịnh xá Ngọc Cát, Phan Thiết, Bình Thuận.
  • Tháng 2 năm 1965 trụ trì Tịnh xá Ngọc Đà, Đà Lạt, Lâm Đồng.
  • Tháng 7 năm 1966 trụ trì Tịnh xá Ngọc Bảo, Tháp Chàm, Ninh Thuận.
  • Tháng 2 năm 1967 trụ trì Tịnh xá Ngọc Hải, Cam Ranh, Khánh Hòa.
  • Tháng 2 năm 1968 trụ trì Tịnh xá Ngọc Pháp, Nha Trang, Khánh Hòa.
  • Tháng 2 năm 1969 trụ trì Tịnh xá Ngọc Phước, Vạn Ninh, Khánh Hòa.
  • Tháng 7 năm 1970 trụ trì Tịnh xá Ngọc Phú, Tuy Hòa, Phú Yên.
  • Tháng 2 năm 1971 tru trì Tịnh xá Ngọc Tòng, Nha Trang, Khanh Hòa.
  • Tháng 7 năm 1972 trụ trì Tịnh xá Ngọc Trung, An Khê, Gia Lai.
  • Tháng 2 năm 1973 trụ trị Tịnh xá Ngọc Túc, An Khê, Gia Lai.
  • Tháng 7 năm 1974 trụ trì Tịnh xá Ngọc Quang, Buôn Ma Thuộc, Đắk Lắk.
  • Tháng 2 năm 1975 trụ trì Tịnh xá Ngọc Long, Tuy Phước, Bình Định.

Qua những năm tháng hành đạo, phục vụ Giáo Hội, đến tháng 7 năm 1980, Ngài được Giáo Hội Khất Sĩ tấn phong lên hàng Thượng tọa.

 V/ Công Hạnh Tu Tập Và Hành Đạo:

 Từ lúc còn cư sĩ tại gia, Cố trưởng lão đã đem hết lòng thờ kính Tam Bảo, lập công bồi đức. đến lúc xuất gia Ngài tiếp tục hành trình tuyên dương chánh pháp, truyền thừa Y Bát chơn truyền Khất Sĩ du phương hành đạo vun bồi phúc lành cho chúng sinh. Vào năm 1969 đến năm 1980, Ngài được Giáo Hội cử làm thành viên Hội Đồng Tỳ Kheo, trưởng ban Giám Luật của Giáo Đoàn III.

Ngài đã trùng tu xây dựng Tịnh xá Ngọc Phú, Ngọc Long và xây cất mới Tịnh xá Ngọc Tòng. Đặc biệt, Ngài và chư tăng Tịnh xá Ngọc Sơn (Đại đức Giác Duyên, Đại đức Giác Độ) và Phật tử Tịnh xá Ngọc Long khai sơn Tịnh xá Ngọc Định, Phú Tài, Quy Nhơn vào năm 1974.

 Vào năm 1981 Ngài là thành viên hội đồng giáo phẩm hệ phái Khất Sĩ do Hòa thượng Thích Giác Nhu làm trưởng đoàn đại diện Hệ Phái kí văn kiện Hiến Chương thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Và Ngài là người đầu tiên trì bình khất thực hóa duyên theo gương hạnh của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tại thủ đô Hà Nội.

Từ năm 1980 đến năm 1982, Ngài được suy cử làm trưởng giáo đoàn III.

Năm 1982, Ngài được Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định suy cử làm phó Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo tỉnh Bình Định trong 4 nhiệm kì từ năm 1982 – 2002.

Năm 1982 Ngài được ủy ban MTTQVN tỉnh Bình Định mời làm thành viên Mặt Trận tỉnh.

Năm 1994, Ngài được mời làm đại biểu Hội Đồng Nhân Dân huyện Tuy Phước khóa VII nhiệm kì 1994 – 1999.

Suốt cuộc đời cố Đức trưởng lão nghiêm trì giới luật, theo giương hạnh đầu đà trì bình khất thực, hóa duyên độ sinh. Vì tuổi cao sức yếu, Ngài an dưỡng tại Tịnh xá Ngọc Long, thị trấn Diêu Trì, tỉnh Bình Định.

Hơn 45 năm tu học hành đạo độ sinh, Ngài đã trú trì hơn 15 ngôi Tịnh xá từ cao nguyên trung phần đến đồng bằng duyên hải miền trung.Với đạo hạnh và hạnh nguyện độ sinh của Ngài nên bước chân của Ngài đến đâu cũng được Tăng, Ni, tín đồ kính quí. Ngài luôn nhất tâm hướng về Tín, Hạnh, Nguyện, tu pháp môn tịnh độ, hành trì Bát Chánh Đạo, Giới, Định, Tuệ.

 VI/ Thời Gian Viên Tịch:

 Vào ngày rằm tháng 3 năm Mậu Tý (2008), Ngài Lâm trọng bệnh, tất cả Tăng, Ni Phật tử tứ chúng đều tin tưởng Ngài sẽ viên tịch. Nhưng Phật pháp nhiệm mầu đến mùa Phật đản vào lúc 17h 45 phút ngày 01/04 năm Mậu Tý (05/05/2008) tại Tịnh xá Ngọc Long, thị trấn Diêu Trì, Tuy Phước, Bình Định, Ngài thâu thần bỏ nhục thân tứ đại một cách an nhiên trên khuôn mặt đầy hoan hỷ. Cuộc đời Trưởng lão là một tấm giương mẫu mực về ý chí kiên cường, vui chịu mọi cảnh khổ. Ngài nhất tâm hành trì chánh pháp Tam Y Nhất Bát, sống đơn giản thanh bần theo hạnh người Khất Sĩ. Ngài trụ thế 86 năm, hạ lạp 41 năm. Ngài viên tịch là Giáo hội mất đi một bóng mát bồ đề, toàn thể Tăng Ni mất đi một bậc thầy khả kính, khả ái. Theo lời Phật dạy: “đời người là vô thường, kiếp sống con người mong manh như sương khói”, sự ra đi của Ngài là trở về cội nguồn chơn tánh thanh tịnh.

 Đức độ nhơn sanh khó nghĩ bằng

Cố tâm gìn giữ đạo cao thâm

Trưởng thành hạnh nguyện trong nhân thế

Lão luyện tâm từ độ chúng sanh

Thích hành chánh pháp đến Như Lai

Giác ngộ tu hành quy Phật quốc

Phất trần viên mãn vãn Tây Phương

 

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Lên đầu trang