GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Buổi Tọa đàm về những sự kiện lịch sử Đản sanh và cuộc đời của Đức Phật.

Hoằng pháp vi gia vụ - Lợi sanh vi sự nghiệp. Đó là hoài bão của chư Phật, là phương châm hoạt động của Ngành Hoằng pháp nói riêng, là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả của hàng xuất gia hay còn gọi là Sứ giả của Như Lai.

Đức Phật khi còn tại thế, trong suốt 49 năm từ khi Thành Đạo đến ngày nhập Niết Bàn, Ngài đã vân du giáo hóa chúng sanh khắp mọi miền của xứ Ấn Độ. Theo kinh điển Bắc truyền, ngài lên cung trời Đâu suất, xuống tận cung rồng Ta Kiệt La để hoằng hóa chúng sinh. Đến lúc sắp nhập Niết Bàn nơi rừng Câu Thi Na, Ngài vẫn thuyết kinh Di Giáo để độ ông Tu Bạt Đà La. Ngài dạy các hàng đệ tử: “Này các Thầy Tỳ kheo, hãy ra đi mỗi người một ngả, để truyền bá chánh pháp, vì lợi ích cho quần sinh, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”.

Với những ý nghĩa đó, vào lúc 19g30 ngày 12.4. Bính Thân, tại chùa Giáo Hội Tỉnh, 141 Trần Cao Vân, Tp. Quy Nhơn – Lễ Đài Kính Mừng Phật Đản của Giáo hội Phật giáo tỉnh. Ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh Bình Định đã long trọng tổ chức Buổi Tọa đàm về những sự kiện lịch sử Đản sanh và cuộc đời của Đức Phật.

Chủ tọa buổi tọa đàm: Đại Đức Tiến sĩ Thích Đồng Thành, Uv. Ban Hoằng pháp kiêm Uv Thường trực Ban  Giáo dục Tăng Ni TƯ. GHPGVN, Trưởng Ban Hoằng Pháp tỉnh, Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học Bình Định, Trú trì chùa Thiên An, Tx. An Nhơn.

Cùng tham dự có Đại Đức Thích Quảng Duy, Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, Trú trì Tổ đình Long Khánh, Tp. Quy Nhơn, Đại Đức Tiến sĩ Thích Hạnh Chơn, P.Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN Tp. Quy Nhơn, Trú trì Tổ đình Minh Tịnh và Đại Đức Tiến sĩ Thích Nhuận Huệ, Đại Đức Thích Đồng Kim, Đại Đức Thích Đồng Hội, Đại Đức Thích Đồng Thành (Phổ Quang), Đại Đức Thích Thị Tấn, Đại Đức Thích Vạn Thuận, Đại Đức Thích Hạnh Viên, Sư cô TN. Minh Thành, Sư cô TN. Minh Lạc đồng thành viên Ban Hoằng pháp GHPGVN tỉnh Bình Định. Đến dự có chư Thiện hữu tri thức, chư Thiện tín Phật tử, Thanh thiếu niên Phật tử và Đoàn sinh GĐPT các Tự viện.

Mở đầu buổi tọa đàm, Hội chúng được xem đoạn phim sơ lược về sự kiện Đản Sanh và cuộc đời Đức Phật, sau đó Chư Tôn đức gợi ý những thắc mắc về các sự kiện Đản Sanh và cuộc đời Đức Phật để đưa ra những câu hỏi như:

+ Tương truyền Bồ Tát Hộ Minh từ cung trời Đâu suất giáng trần làm Thái tử Tất Đạt Đa. Vậy Trời Đâu suất ở đâu? Tuổi thọ, Nội viện, Ngoại viện ra sao?

+ Đức Phật mang họ Thích Ca. Vậy nguồn gốc dòng họ Thích Ca như thế nào?

+ Hình tượng voi trắng sáu ngà khai hông bên hữu có ý nghĩa gì?

+ Hoàng hậu Maya dạo Vườn Lâm Tỳ Ni và ngự ra xem Hoa Vô Ưu và hạ sanh Thái tử bên hông phải. Điều đó có nghĩa gì?

+ Khi Thái tử Đản sanh thì có chín rồng phun nước nóng và lạnh tắm cho Thái tử nghĩa là sao?

+ Thái tử bước đi bảy bước trên bảy đóa hoa sen là ý gì?

+ Hình ảnh Thái tử một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và nói: “Thiên thượng thiện hạ, duy ngã độc tôn”câu nói ấy có ý nghĩa gì?

+ Khi Thái tử Đản sanh thì trái đất chấn động. Vậy điều đó có ý nghĩa gì?

+ Tiên A Tư Đà xem tướng cho Thái tử như thế nào và có ý nghĩa ra sao?

+ Vì sao không tính Phật lịch từ năm Ngài Đản sanh (đến nay là PL. 2640), hay lúc thành đạo là PL. 2590 mà tính lúc nhập diệt là PL. 2560?

Chia sẻ và giải thích về ý nghĩa các sự kiện lịch sử Đản sanh và cuộc đời của Đức Phật qua các câu hỏi. Chư Tôn đức Ban Hoằng Pháp đã dựa theo sử liệu của Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền để giảng giải cho hội chúng. Với mong muốn hội chúng tùy vào niềm tin và lòng Tôn kính Đức Phật của mỗi người, chúng ta sẽ chọn cho mình một Đức Phật với những sử liệu theo Nam truyền hay Bắc truyền để đặc hết niềm tin trong sáng và tích cực để phát huy việc tu tập trong chánh tín, vì Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy “Niềm tin là gốc của Đạo, là mẹ hiền sinh ra các công đức”.

Được biết đây là lần đầu tiên Ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh Bình Định tổ chức buổi tọa đàm tại Lễ Đài chính của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Định nhân dịp Đại Lễ Phật Đản hằng năm. Nội dung và ý nghĩa trong buổi tọa đàm đã giúp cho Thiện tín Phật tử nâng cao kiến thức Phật học, Đặc biệt là giúp cho giới thanh thiếu niên Phật tử trẻ có điều kiện học hỏi, giao lưu nhằm giải đáp những thắc mắc khó hiểu qua các sự kiện Đản sanh và cuộc đời Đức Phật.

Buổi tọa đàm đã để lại những ấn tượng sâu sắc và đáp ứng được nhu cầu tu học trong chánh pháp của Phật tử các giới. Đó là niềm vui và hạnh phúc nhất của những người làm công tác Hoằng pháp vi gia vụ - Lợi sanh vi sự nghiệp.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lên đầu trang