GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Hoài Ân: Khai mạc khóa tu Một Ngày An Lạc tại chùa Thường Quang

Tin: Minh Toàn; ảnh: chùa Thường Quang

Sáng mùng 1 tháng Hai năm Mậu Tuất, chùa Thường Quang – thôn An Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân – đã trang nghiêm khai mạc khóa tu Một Ngày An Lạc.

Quang lâm chứng minh và tổ chức khóa tu có: ĐĐ. Thích Nhuận Huệ, Trưởng Ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh Bình Định, Giáo thọ sư Trường TCPH Bình Định, Trụ trì Tổ đình Long Đức (Phù Cát); ĐĐ. Thích Hồng Lý, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Hoài Ân, Ủy viên Ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh Bình Định, Trụ trì chùa Viên Giác; SC. TN. Huệ Tín, Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định, Ủy viên Ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh Bình Định, Trụ trì chùa Thường Quang; Ni chúng chùa Thường Quang cùng gần 120 Phật tử tham dự.

Phát biểu khai mạc, ĐĐ. Thích Hồng Lý đã tán thán công đức của Sư cô Trụ trì đã không từ lao quyện tổ chức khóa tu cho quý Phật tử về tu học, tán thán ĐĐ. Trưởng Ban Hoằng Pháp đã quang lâm thuyết giảng để tạo sinh khí tu học cho huyện nhà. Đại Đức nhấn mạnh sự quan trọng của học hỏi giáo pháp để làm hành trang tu học nhằm đạt được trí huệ, thấu rõ chân lí để giải thoát khỏi những nỗi khổ niềm đau.

Quang lâm thuyết giảng, ĐĐ. Thích Nhuận Huệ đã chia sẻ đề tài “Những phương pháp tiêu trừ tội lỗi”. Theo đó, Đại Đức đã phân tích các cách xin lỗi, chuộc tội của người thế gian, cách rửa tội của ngoại đạo, cách hành xác, hiến tế súc vật, trầm mình xuống sông Hằng như các tôn giáo tại Ấn Độ thực hành để mong diệt tội chỉ là mang tính hình thức và không thể hết tội.

Đạo Phật nhấn mạnh đến sự tu tập tâm và chứng ngộ tâm nên tội từ tâm sanh ra thì phải dùng tâm sám hối. Sám hối là ăn năn những lỗi lầm đã tạo trong quá khứ và phát nguyện hối cải, chừa bỏ, không tái phạm những lỗi lầm ấy trong tương lai. Nhân đó, Đại Đức đã trình bày các cách sám hối trong Phật giáo bao gồm: Tác pháp sám hối, Thủ tướng sám hối, Hồng danh sám hối, Vô sanh sám hối. Đại Đức nêu phát tích và cách hành trì theo Từ Bi Thủy Sám, Lương Hoàng Bảo Sám; cách thực hành trì tụng, lạy Phật theo các nghi thức: Hồng danh, kinh Vạn Phật, Ngũ bách danh, Dược Sư sám, Địa Tạng Sám; lạy mỗi chữ một lạy trong kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, …; thực hành theo Lục thời sám hối khoa nghi để sám hối lục căn, …

Ngoài phương pháp trì tụng, lễ lạy, hành giả còn phải dùng phương pháp thay thế. Theo đó, hành giả phải dừng lại nghiệp ác và thực hành nghiệp thiện để thay thế, đẩy lùi ác nghiệp: dừng sát sanh, thực hành phóng sanh, bảo hộ sự sống; dừng trộm cắp, thực hành bố thí; dừng ác khẩu, thực hành nói lời chân chánh, đoàn kết, ái ngữ; dừng sân hận, thực hành tha thứ, từ bi,…

Kết thúc pháp thoại, các Phật tử rất hoan hỷ và tin tưởng phụng hành.

Khóa tu tiếp tục với thời khóa niệm Phật kinh hành, cúng Ngọ, dùng cơm trong chánh niệm. Buổi chiều, hành giả tiếp tục thời khóa tụng kinh, niệm Phật và bế mạc.

Khóa tu mang lại niềm tin sâu sắc vào Tam Bảo và niềm hỷ lạc ngập tràn cho các Phật tử tham dự.

Được biết, khóa tu sẽ tiếp tục diễn ra định kỳ ngày mùng 1 hằng tháng, mỗi khóa sẽ có Giảng sư của Ban Hoằng Pháp quang lâm thuyết giảng.

Một vài hình ảnh của khóa tu:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lên đầu trang