GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Khóa tu Sinh viên lần thứ 25

Hoằng dương Phật pháp là sự nghiệp cao quí, là lý tưởng thiêng liêng của người xuất gia, đó cũng chính là nền tảng thiết yếu, là bổn phận cao cả của những vị sứ giả Như lai phải vận chuyển bánh xe chánh pháp để hóa độ chúng sanh từ bến mê sang bờ giác.

Để tiếp nối mạng mạch hoằng dương Phật pháp tại tỉnh nhà, từ sau Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Định NK. VI (2017 – 2022) đến nay, Tân Ban Hoằng pháp đã kiện toàn tổ chức, ổn định nhân sự và chính thức hoạt động tổ chức Khóa tu Sinh viên lần thứ 25 vào sáng ngày 29.10.2017 (10.9. Đinh Dậu) với chủ đề: KHAM NHẪN ĐỂ THÀNH NHÂN VÀ THÀNH CÔNG. Khóa tu diễn ra tại Giảng đường chùa Giáo Hội Tỉnh, 141 Trần Cao Vân, Tp. Quy Nhơn, tham dự khóa tu có hơn 80 em học sinh và sinh viên.

Quang lâm chứng minh, thuyết giảng và điều phối chương trình khóa tu có Đại Đức Thích Quảng Duy, CM. Ban Hoằng pháp tỉnh; Đại Đức Thích Nhuận Huệ, Trưởng Ban Hoằng Pháp tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Khóa tu; Đại Đức Thích Đồng Hội, P.Ban Hoằng pháp tỉnh; Đại Đức Thích Nhuận Nghĩa, Uv. Ban Trị sự tỉnh kiêm Uv. Ban Hoằng pháp tỉnh.

Phát biểu khai mạc, ĐĐ.Thích Quảng Duy hoan hỷ chào đón các khóa sinh đã trở lại tu tập sau kỳ nghỉ do sự kiện quan trọng của giáo hội, đó là Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bình Định lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017 – 2022 được diễn ra vào ngày 14 và 15.9.2017 vừa qua. Đại Đức cũng cho biết đây là Khóa tu đầu tiên của Tân Ban Hoằng pháp, do ĐĐ.Thích Nhuận Huệ, Trưởng Ban Hoằng Pháp tỉnh cũng là Trưởng Ban Tổ chức Khóa tu. Đại Đức mong muốn các khóa sinh phải tu hành đức tính kham nhẫn để thành nhân và thành công, như chủ đề của khóa tu hôm nay. Vì trong cuộc sống, chúng ta phải có tâm kham nhẫn để chấp nhận thực tế, để vượt qua chướng ngại mà đi lên, nếu không nhẩn nhịn chúng ta dễ tạo tội lỗi và tự chuốc họa vào thân. Đó là bài học kinh nghiệm quí báu để các em vững bước vào đời.

Thuyết giảng chủ đề của khóa tu lần thứ 25, Đại Đức Thích Nhuận Huệ định nghĩa: Kham nhẫn hay nhẫn nhục là chịu đựng mọi chướng duyên, nghịch cảnh trong cuộc đời bằng tâm bao dung, tha thứ, không nhu nhược, không thâm hiểm, không luồn cúi, cũng không nuôi sự giận ghét, thù hận trong lòng. Đây là kham nhẫn hay nhẫn nhục trong giáo lý Phật giáo mà Đức Phật đã dạy. Hoàn toàn khác với sự nhẫn nhục mà nuôi trong lòng sự thâm hiểm, hận thù và chờ cơ hội để báo thù.

Trong cuộc sống, ai cũng phải gặp nghịch cảnh, nên chúng ta phải tu tập hạnh nhẫn nhục để vượt qua. Nhờ có nhẫn nhục ta sẽ rèn luyện được bản lĩnh và sẽ có tràn đầy hòa khí trong các mối quan hệ. Người nhẫn nhục thì thân tâm an ổn, sự nghiệp bền vững, gia đình hạnh phúc và bạn bè thương yêu gắn bó. Ngoài ra người nhẫn nhục còn tránh được tai họa và những nổi khổ do sân hận và oán thù gây ra. Do đó chúng ta phải kham nhẫn hay nhẫn nhục để thành nhân và thành công trong cuộc sống.

Muốn tu tập hạnh kham nhẫn chúng ta phải vâng lời Phật dạy và noi gương từ bi của Đức Phật hay nhưng tấm gương nhẫn nại của Trạng nguyên Nguyễn Hiền, Mạc Đỉnh Chi, Lương Thế Vinh, Khương Tử Nha ... Thực tập hạnh nhẫn nhục trong câu chuyện “Quan Âm Thị Kính” . Ngoài ra chúng ta phải thực hành hạnh khiêm tốn, biết kính trên nhường dưới, vợ chồng nhường nhịn nhau, không hành động và nói năng lúc nóng giận...

Sau một ngày tu tập các em được giao lưu, học hỏi và trau giồi cho mình những kiến thức quí báu trong cuộc sống thông qua bài giảng KHAM NHẪN ĐỂ THÀNH NHÂN VÀ THÀNH CÔNG, được tụng Kinh, Niệm Phật và lạy Phật, được ăn cơm trong chánh niệm, trong quán tưởng đến công phu lao tác và lòng tri ân, báo ân của người thọ dụng.

Khóa tu Sinh viên lần thứ 25 đã kết thúc thành tựu viên mãn. Trước khi ra về Ban Tổ chức tặng cho mỗi em một quyễn sách “Nghệ thuật sống” của TT. Thích Nhật Từ, với mong muốn các em tham khảo và ứng dụng vào cuộc sống.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Lên đầu trang