GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÌNH ĐỊNH

Tiểu sử Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Trí 1928-2025

TIỂU SỬ CỐ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC TRÍ

- Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN

- Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Tỉnh Bình Định

- Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN Huyện Phù Cát

- Viện chủ chùa Long Hòa, chùa Hoa Nghiêm huyện Phù Cát.

 A. THÂN THẾ

Hoà thượng thế danh Trần Nguyên Hoán, Pháp danh Nguyên Hoán, Pháp tự Phước Tân, Pháp hiệu Giác Trí, thuộc dòng Lâm Tế, Thiền phái Liễu Quán, đời pháp thứ 44.

Ngài sinh ngày 21 tháng 8 năm Mậu Thìn (1928), tại làng Bình Đức, xã cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thân phụ của Ngài là cụ ông Trần Trang pháp danh Tâm Nghiêm, Thân mẫu là cụ bà Phan Thị Nén, Pháp danh Tâm Huỳnh. Ngài là con thứ 7 trong gia đình có 9 người con.

 B. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC

Hòa thượng sinh ra trong gia đình có truyền thống thâm tín Tam Bảo. Gia tộc của Ngài có nhiều vị xuất gia trở thành những bậc tôn túc đảm nhiệm trọng trách trụ trì, kiến tạo, trùng tu tự viện. Nhờ thuận duyên với Phật Pháp như thế, nên từ nhỏ, Ngài được thân phụ đưa về Tổ đình Long Đức trong làng để thường xuyên lạy Phật, tụng Kinh, công quả.

Nhờ túc duyên nhiều kiếp, nên hạt giống Bồ-đề sớm nảy mầm. Có lần, dự một đám tang gần nhà, trước cảnh sanh tử ly biệt, Ngài thắc mắc tại sao con người chết? chết rồi đi về đâu? Ngài được giải thích rằng “ai cũng chết và chết là khổ, chỉ có tu mới thoát khỏi khổ đau của cái chết”. Chính câu trả lời này đã thôi thúc Ngài phát khởi chí nguyện xuất gia. Thế nhưng vì nhận thấy tuổi Ngài còn bé, nên song thân chưa chấp thuận ước nguyện ấy.

Đầu năm sau, vào ngày Rằm tháng Giêng năm Kỷ Mão (1939), khi cơ duyên đã đến, Ngài được ông Nội đưa đến Tổ đình Long Đức xuất gia đầu Phật với Hòa thượng Thích Trí Đức. Ngài sống với Hòa thượng hơn 3 năm, cho đến khi Hòa thượng viên tịch, nhưng chưa được ban pháp danh. Sau đó, Hoà thượng Thích Tâm Minh hiệu Huyền Giác trụ trì Tổ đình Tịnh Lâm được cung thỉnh kiêm nhiệm trụ trì chùa Long Đức, thấy Ngài trong tương lai là bậc pháp khí thiền gia, liền thâu nhận làm đệ tử, ban Pháp danh Nguyên Hoán, Pháp tự Phước Tân, thuộc dòng kệ pháp phái Liễu Quán, đời thứ 44.  

Năm Quý Mùi (1943), lúc lên 16 tuổi, Ngài được Hoà thượng Bổn sư cho phép về giới đàn Tổ đình Thiên Đức cầu thọ giới Sa-di do Hòa Thượng Thích Huệ Chiếu, trụ trì Tổ đình Thiên Đức làm Đường đầu Hòa thượng. Sau khi đắc giới, Ngài về lại Tổ đình Tịnh Lâm, hầu cận Bổn sư và học Kinh - Luật – Luận.

Đến năm 1945, Ngài được Bổn sư cho phép tham dự những khóa học gia giáo tổ chức tại Tổ đình Long Khánh – Quy Nhơn và chùa Hưng Long – quận An Nhơn, do những vị Giáo thọ như: Hoà thượng Thích Giác Tánh, Hòa thượng Thích Tâm Hoàn, ... giảng dạy. Chư vị học Tăng cùng thời với Ngài như Hòa thượng Thích Đồng Thiện, Hòa thượng Thích Đỗng Quán, Hòa thượng Thích Bửu Tịnh, v.v..

Năm Giáp Ngọ (1954), Hòa thượng Bổn sư của Ngài viên tịch để lại cho Ngài một sự trống vắng vô cùng to lớn. Thế nhưng, trước khi viên tịch, Hòa Thượng Bổn sư viết bức tâm thư căn dặn Ngài, mang thư này về trình Tổ Huệ Chiếu, hiện đang làm phương trượng Tổ đình Thiên Đức để cầu y chỉ và tham học Chánh pháp Như Lai. Ngài được Tổ Huệ Chiếu nhận làm đệ tử y chỉ và đươc ban cho Pháp hiệu là Giác Trí.

Năm 1957, Ngài được Hòa thượng Y chỉ sư cho phép cầu thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn Hộ Quốc, do Hòa thượng Thích Tịnh Khiết chứng minh và Hòa thượng Thích Giác Nhiên làm Đường đầu Hoà thượng. Những vị giới tử đồng đàn với Ngài như: Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Hòa thượng Thích Thiện Duyên, Hòa thượng Thích Đổng Quán, ...

C. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO

I. TU TẠO TỰ VIỆN

Mùa hạ năm 1957, Ngài tham dự khóa hạ đầu tiên tại Tổ đình Long Khánh – Quy Nhơn. Sau ngày Tự tứ, Ngài được bà con Phật tử bổn đạo tại xóm Nam, thôn Hòa Dõng, xã Cát Tân, huyện Phù Cát cung thỉnh về chùa Thiên Hòa nhận trách nhiệm Trụ trì và hướng dẫn Phật tử tu học. Sau đó, Hòa thượng Thích Huệ Chiếu - Trụ trì Tổ đình Thập Tháp dạy Ngài thiên di chùa đến vị trí hiện tại và đổi tên thành chùa Long Hòa như hiện nay.

Từ một nơi chỉ là gò đất trống, hoang dã, với tâm nguyện và ý chí kiên định, Ngài đã kiến thiết thành một Phạm vũ trang nghiêm để Phật tử hữu duyên về tụng kinh lễ bái và tu học. Đặc biệt ở nơi này, Ngài đã mở nhiều lớp giáo lý cùng các lớp thế học.

Sau khi đất nước thống nhất, Ngài hướng tâm nguyện phụng sự Tam Bảo của mình về Tổ đình Tịnh Lâm.

Năm 1988, Hòa thượng trợ thủ với Hòa thượng Thích Nguyên Bích hiệu Hải Phương, đương kim trụ trì Tổ đình Tịnh Lâm, kêu gọi chư Tôn đức trong môn phái, trong bổn tỉnh và bà con Phật tử gần xa đóng góp công sức đại trùng tu Tổ đình Tịnh Lâm vốn sụp đổ hoàn toàn vào năm 1964. Sau 2 tháng xây dựng, Chánh điện trang nghiêm được lạc thành, làm chỗ nương tựa tu học giới xuất gia và tại gia về chốn Tổ tu học.

Với Ngài, ngôi chùa là nơi phụng thờ Tam Bảo, tiếp Tăng độ chúng, là nơi hướng dẫn Phật tử tu học, gìn giữ văn hóa của dân tộc, Ngài đã dấn thân không mệt mỏi vào những Phật sự tái thiết trùng tu nhiều ngôi chùa đã bị đổ nát do chiến tranh và thời gian tàn phá như: chùa Cảnh An tại xã Cát Tài, chùa Mỹ Hóa tại xã Cát Hanh, chùa An Hòa tại xã Cát Tân v.v…

Năm 2012, được sự tín nhiệm và giao phó của Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Bình Định, do cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn làm Trưởng ban, mặc dù tuổi đã cao nhưng Hòa thượng vẫn đứng ra nhận trách nhiệm, cùng với đệ tử mình là Thượng tọa Thích Quảng Độ, tái thiết chùa Hoa Nghiêm trở thành ngôi phạm vũ trang nghiêm, làm nơi tu học cho Tăng chúng, Phật tử và là nơi tổ chức nhiều sự kiện, đại lễ cho Phật giáo huyện nhà. 

II. PHỤNG SỰ GIÁO HỘI - HOẰNG PHÁP – GIÁO DỤC

Những năm tháng dầu sôi lửa bỏng trong Pháp nạn Phật Giáo Việt Nam, hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ Chánh pháp, Hòa thượng đã vận động Phật tử và nhân dân địa phương cùng nhau đấu tranh đòi lại sự bình đẳng tự do tôn giáo. Năm 1964, Hòa thượng nhận trách nhiệm Phó Đại diện Ban Đại diện Phật giáo huyện Phù Cát. Năm 1973, Hòa thượng Thích Trí Nhàn – đương kim Chánh Đại diện - viên tịch, Ngài được đề cử làm Chánh Đại diện Ban Đại diện Phật giáo huyện Phù Cát từ đó cho đến năm 1992.

Suốt thời gian gần hai mươi năm, Hòa thượng dấn thân không mệt mỏi trong mọi Phật sự, vận động tái thiết và trùng tu cũng như vận hành guồng máy Giáo hội huyện Phù Cát thông suốt và hiệu quả.

Năm 1964, Hòa thượng hợp tác cùng một số thân hào, nhân sĩ trí thức địa phương thành lập xây dựng Trường Bồ Đề Phù Cát, gồm 2 cơ sở - cơ sở I tại xã Cát Tân, cơ sở 2 tại xã Cát Tài - nhằm đào tạo các thế hệ học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn trong bổn huyện cũng như từ các nơi tản cư đến. Từ bảng đen và phấn trắng của ngôi trường Bồ Đề thân yêu này, nhiều thế hệ học sinh đã ra trường và làm việc trở thành những lãnh đạo tại tỉnh nhà và một số tỉnh khác như Gia Lai, Kon Tum,...

III. TIẾP TĂNG ĐỘ CHÚNG

 Với tình Linh Sơn cốt nhục, suốt thời gian đất nước lâm vào cảnh bom rơi đạn lạc, nhiều ngôi chùa trong vùng chiến bị tàn phá hư hoại rất nhiều. Chư Tăng từ những ngôi chùa thuộc vùng chiến sự buộc phải di tản đến vùng an toàn tại chùa Long Hòa và các chùa trong huyện lỵ. Hòa Thượng đón nhận chư vị Tôn Túc như: Hòa thượng Thích Nguyên Thảo - chùa Bảo Lâm, Hòa thượng Thích Nguyên Hỷ hiệu Tịnh Cư, Hòa thượng Thích Nguyên Trí hiệu Trí Hiền chùa Thái Phong, Hòa thượng Thích Thiện Đạo Tổ đình Linh Phong, Hòa thượng Thích Phước Huy, ...

Cùng với quý Hòa thượng, Ngài nêu cao tinh thần nông thiền – “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực”.

Với tinh thần “Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”, Hòa thượng thế độ cho nhiều đệ tử xuất gia, đã và đang đóng góp cho Phật giáo, như: Hòa thượng Thích Quảng Khai, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Quảng Duyên, Thượng tọa Thích Quảng Dũng,...

Với tinh thần lục hòa cộng trụ, nuôi dưỡng nội lực cho chư Tăng, Hòa thượng luôn kêu gọi chư Tăng trong bản huyện tập trung về một trụ xứ mỗi mùa an cư, để cùng nhau sách tấn, tu học trong ba tháng, cụ thể như Tổ đình Tịnh Lâm, chùa Long Hòa, chùa Hoa Nghiêm là trú xứ an cư của bản huyện và Hòa thượng được cung thỉnh làm chứng minh và thiền chủ cho các hạ trường này. Năm 2003, Ngài xuất ngoại và được cung thỉnh làm Thiền chủ cho đạo tràng an cư kiết hạ tại Tu viện Vạn Hạnh, Úc châu.

Với hạnh đức khiêm cung hòa nhã, có nhiều đóng góp cho Giáo hội và dân tộc nên vào năm 2012, Hòa thượng đã được Hội Đồng chứng Minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng và năm 2017 được suy tôn vào ngôi vị Thành viên Hội Đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định và GHPGVN huyện Phù Cát.

 IV. THỜI KỲ VIÊN TỊCH

Dòng thời gian vô thường âm thầm bào mòn sức khỏe theo định luật thành trụ hoại không, nhưng tinh thần và ý chí của bậc Phát túc siêu phương, ngày ngày, Hòa thượng vẫn quan tâm đến mọi Phật sự trong chùa Long Hòa nói riêng và Phật sự trong bổn huyện nói chung. Đêm đêm, Hòa thượng vẫn hành trì thỉnh Đại hồng chung, niệm Phật đều đặn ngày đêm lục thời và sách tấn những người mới xuất gia học đạo.

Trong những ngày tuổi đã gần ‘bách tuế’ nhưng Hòa thượng vẫn không quên bản hoài trong sơ tâm xuất gia của mình, hằng ngày miên mật tu niệm. Vào những ngày đầu Xuân Ất Tỵ, Hòa thượng vẫn hoan hỷ chứng minh lễ Giao thừa đón mừng năm mới tại chùa Hoa Nghiêm, đồng thời ban đạo từ sách tấn cho chư Tôn đức vào ngày mùng 2 Tết trong lễ khánh tuế nhân dịp đầu năm Ất Tỵ, bên cạnh đó Hòa thượng dự ngôn ‘Tôi sẽ đi về cõi Phật vào ngày 22 tháng giêng năm Ất Tỵ’.

Vào ngày Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ, Ngài bắt đầu giảm thiểu thâu nạp năng lượng cơm ăn và nước uống đến mức có thể. Ngày 16 tháng Giêng năm Ất Tỵ, Ngài bảo thị giả đưa lên Chánh điện để Ngài lễ Phật, lễ Tổ và dâng hương tất cả các ban thờ trong chùa để lễ tạ lên đường về cõi Phật. Sau đó vào sáng ngày 21 tháng Giêng đệ tử của Hòa thượng là Thượng tọa Thích Quảng Dũng đã vào hầu Ngài, Ngài rất minh mẫn niệm câu Phật hiệu A Di Đà, sau đó đọc theo bài kệ:

“Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời,

Tận trừ nhứt thiết chư chướng ngại,

Diện kiến bỉ Phật A Di Đà,

Tức đắc vãng sanh An lạc quốc”.

Từ đó, Hòa thượng yếu dần, yếu dần cho đến chiều ngày 22 tháng Giêng năm Ất Tỵ, nhằm ngày 19 tháng 02 năm 2025, Ngài thâu thần thị tịch, vĩnh viễn chia tay tất cả môn đồ Tứ chúng vào lúc 16 giờ 15 phút, hưởng đại thọ: 98 tuổi, hạ lạp 68 năm.

Cuộc đời của Hòa thượng là gương sáng treo cao cho hàng hậu học soi chung. Hòa thượng từ giã cõi Ta Bà để vãng sinh Tịnh Độ, nhưng tôn dung và những lời dạy từ hòa của Ngài vẫn còn đó, như bàng bạc trong sân chùa Long Hòa, Long Hoa, Hoa Nghiêm và nhiều ngôi chùa khác, để những người con Phật dù là xuất gia hay tại gia vẫn nhớ mãi ơn Người. Những lời giáo huấn đầy từ bi và trí tuệ của Ngài vẫn vang vọng đâu đây mỗi khi nhớ về Hòa thượng, để áp dụng vào đời mình để chuyển hóa nghiệp lực trở thành nguyện lực phụng sự chúng sinh cúng dường Chư Phật.

 

Thật là:

Chín mươi tám năm, ứng hiện trần gian, công với hạnh, trọn lòng câu Phật hiệu.

Sáu mươi tám hạ, trải thân hành đạo, khiêm và kính, một đời Giới nghiêm thân.

 

Nam mô Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Tứ Thế, Liễu Quán Pháp Phái, Tịnh Lâm Tổ Đình - Thiên Đức Môn Hạ, Long Hòa – Hoa Nghiêm Đường Thượng Húy Thượng NGUYÊN Hạ HOÁN, Tự PHƯỚC TÂN, Hiệu GIÁC TRÍ Tân Viên Tịch Trưởng Lão Hòa Thượng Giác Linh tác đại chứng minh!

 

Lên đầu trang